Chân dung làng nghề Bát Tràng

      Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát là bát ăn của nhà sư (tiếng Phạn là Patra), chữ Tràng (còn đọc là Trường) nghĩa là "cái sân lớn", là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Hiện nay, tại các đình, đền và chùa ở Bát Tràng đều vẫn còn các chữ Bát Tràng được viết bằng chữ Hán.

     Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lí và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men, và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò".

 

     Điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét làm gốm. Những trung tâm sản xuất gốm thời cổ thường là sản xuất trên cơ sở khai thác nguồn đất tại chỗ. Làng gốm Bát Tràng cũng vậy, sở dĩ dân làng Bồ Bát chọn khu vực làng Bát Tràng hiện nay làm đất định cư phát triển nghề gốm vì trước hết họ đã phát hiện ra mỏ đất sét trắng ở đây.

 

     Đến thế kỉ 18, nguồn đất sét trắng tại chỗ đã cạn kiệt nên người dân Bát Tràng buộc phải đi tìm nguồn đất mới. Không giống như tổ tiên, dân Bát Tràng vẫn định cư lại ở các vị trí giao thông thuận lợi và thông qua dòng sông bến cảng, dùng thuyền toả ra các nơi khai thác các nguồn đất mới. Từ Bát Tràng ngược sông Hồng lên vùng Sơn Tây, Phúc Yên, rẽ qua sông Đuống, xuôi dòng Kinh Thầy đến Đông Triều, khai thác đất sét trắng ở Hồ Lao, Trúc Thôn.

 

     Ở Bát Tràng, phương pháp xử lí đất truyền thống là xử lí thông qua ngâm nước trong hệ thống bể chứa, gồm 4 bể ở độ cao khác nhau.

 

     Nhìn chung, khâu xử lí đất của người thợ gốm Bát Tràng thường không qua nhiều công đoạn phức tạp. Trong quá trình xử lí, tuỳ theo từng loại đồ gốm mà người ta có thể pha thêm cao lanh ở mức độ nhiều ít khác nhau.

 

     Phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng Bát Tràng là làm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm Bát Tràng sử dụng phổ biến lối "vuốt tay, be chạch" trên bàn xoay, trước đây công việc này thường vẫn do phụ nữ đảm nhiệm.

 

     Thợ ngồi trên một cái ghế cao hơn mặt bàn rồi dùng chân quay bàn xoay và tay vuốt đất tạo dáng sản phẩm. Đất trước khi đưa vào bàn xoay được vò cho thật nhuyễn, cuốn thành thoi rồi ném ("bắt nẩy") để thu ngắn lại. Sau đó người ta đặt vào mà giữa bàn xoay, vỗ cho đất dính chặt rồi lai nén và kéo cho đất nhuyễn dẻo mới "đánh cử" đất và "ra hương" chủ yếu bằng hai ngón tay bên phải. Sau quá trình kéo đất bằng tay và bằng sành tới mức cần thiết người thợ sẽ dùng sành dan để định hình sản phẩm.

 

     Sản phẩm "xén lợi" và "bắt lợi" xong thì được cắt chân đưa ra đặt vào "bửng". Việc phụ nữ sử dụng bàn xoay vuốt tạo dáng ban đầu của sản phẩm là công việc bình thường phổ biến ở mỗi lò gốm cổ Việt Nam (không chỉ riêng Bát Tràng) nhưng lại rất xa lạ với một số người thợ gốm phương Tây.

 

     Tuy thế, kĩ thuật này đã mất dần và hiện nay không còn mấy người thợ gốm Bát Tràng còn có thể làm được công việc này nữa. "Be chạch" cũng là một hình thức vuốt sản phẩm trên bàn xoay nhẹ đà và chủ yếu do thợ đàn ông đảm nhiệm.

 

     Người thợ "đắp nặn" gốm là người thợ có trình độ kĩ thuật và mĩ thuật cao. Có khi họ đắp nặn một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, nhưng cũng có khi họ đắp nặn từng bộ phận riêng rẽ của một sản phẩm và sau đó tiến hành chắp ghép lại. Hiện nay theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp hay mĩ nghệ, nghệ nhân gốm có thể đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt.

 

     Việc tạo hình sản phẩm gốm theo khuôn in (khuôn thạch cao hay khuôn gỗ) được tiến hành như sau: đặt khuôn giữa bàn xoay, ghim chặt lại, láng lòng khuôn rồi ném mạnh đất in sản phẩm giữa lòng khuôn cho bám chắc chân, vét đất lên lợi vành, quay bàn xoay và kéo cán tới mức cần thiết đề tạo sản phẩm. Ngày nay người làng gốm Bát Tràng sử dụng phổ biến kĩ thuật "đúc" hiện vật.

 

     Muốn có hiện vật gốm theo kĩ thuật đúc trước hết phải chế tạo khuôn bằng thạch cao. Khuôn có cấu tạo từ đơn giản đến phức tạp. Loại đơn giản là khuôn hai mang, loại phức tạp thì thường cớ nhiều mang, tuỳ theo hình dáng của sản phẩm định tạo. Cách tạo dáng này trong cùng một lúc có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm giống nhau, rất nhanh và giản tiện. Ngoài ra người ta còn dùng phương pháp đổ rót: đổ "hồ thừa" hay "hồ đầy" để tạo dáng sản phẩm.

 

     Thợ gốm Bát Tràng dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn hoạ tiết. Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn học tiết phải hài hoà với dáng gốm, các trang trí hoạ tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật, mỗi cái là một tác phẩm. Thợ gốm Bát Tràng cũng đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu...

 

     Gần đây, Bát Tràng xuất hiện kĩ thuật vẽ trên nền xương gốm đã nung sơ lần 1 hoặc kĩ thuật hấp hoa, một lối trang trí hình in sẵn trên giấy decal, nhập từ nước ngoài. Hai kiểu này tuy đẹp nhưng không phải là truyền thống của Bát Tràng.

 

     Ngày nay, đến thăm làng gốm Bát Tràng, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng thấy làng quê này luôn luôn sôi động. Không khí lao động hối hả, tấp nập, xe ô tô chuyên chở vào làng và chở sản phẩm đi tiêu thụ. Nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua hàng lưu niệm. Gốm, sứ Bát Tràng ngày nay nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Lượt truy cập: 4244 - Cập nhật lần cuối: 04/02/2012 16:21:59 PM

Giỏ hàng