Bình Ngô đại cáo bằng sứ

   Dưới bàn tay khéo léo, lòng kiên trì và niềm đam mê cháy bỏng, nghệ nhân Phạm Xuân Hòa (Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã tái hiện lại tác phẩm “Bình ngô đại cáo” bằng chất liệu gốm. Ông cũng chính là tác giả của “Thiên đô chiếu” bằng gốm sứ tại Đền Đô (Bắc Ninh).

      Ông Phạm Xuân Hòa sinh năm 1941, nguyên là lính phòng không, không quân, đơn vị C363 đóng quân tại Hải Phòng. Sinh ra trong gia đình truyền thống nghề gốm, nên sau khi về hưu ông tiếp nối cha ông mở xưởng gốm tại nhà riêng ở làng Bát Tràng. Ông Hòa cho biết: “Khi mới bắt tay vào làm gốm, tôi chỉ nghĩ đơn giản là để mưu sinh, nhưng càng làm nghề, tôi càng thấy được nét tinh hoa trong cách tạo hình gốm, nên say nghề lúc nào không hay”.

 

     Tuy gia đình ông chuyên sản xuất mặt hàng lọ hoa và đĩa cảnh, nhưng ông Hòa lại rất đam mê chữ Nho. Năm 2000, một người anh họ làm nghề giáo viên gợi ý: 'Các cụ ta ngày xưa có làm chữ Nho bằng gốm sứ, chú thử làm xem sao'. Ông quyết tâm làm thử. Nhưng viết chữ Nho trên giấy đã khó, nay làm trên gốm lại càng khó hơn, ông vào nghề nhưng gặp không ít khó khăn, đã có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc.

 

     Cơ may đã đến với nghệ nhân Hòa. Năm 2006, được một người giới thiệu ông đã gặp thầy Trần Đức Cảnh, ở phường Ngũ Xã, quận Ba Đình (Hà Nội). Thầy Cảnh năm nay 82 tuổi, là một cán bộ lão thành cách mạng, về hưu mở lớp dạy chữ nho. Lớp học của thầy Cảnh mang tên 'Hương Nam học đường'. Hằng ngày, ông Hòa vừa làm thợ gốm ở nhà, mỗi tuần vào chủ nhật, ông Hoà lại lên xe buýt sang lớp của thầy Cảnh học một buổi. Ông bảo: Càng học càng thấy thích. Nhưng càng học càng thấy mình dốt, vì được sáng ra

 

     Từ khi được thầy Cảnh dạy, ông Hòa viết chữ đẹp hơn. Không chỉ biết sâu sắc ý nghĩa của từng từ Hán mà ông còn đọc dịch thông thạo một số câu đối tại các đình, chùa, đền, miếu để tái hiện, nâng cao tính thẩm mỹ của chữ viết.

 

     Nói về tác phẩm Bình ngô đại cáo bằng gốm ông Hòa cho biết: Ý định đã ấp ủ từ lâu lắm rồi nhưng phải đến năm 2009 thì tôi và con trai là Phạm Xuân Vũ mới bắt tay vào chế tác nung luyện tác phẩm”. Đó là 1.350 chữ Hán trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi được làm bằng gốm sứ có màu men xanh nước biển. Trước đó, gia đình ông cũng đã cung tiến vào đền Đô (Bắc Ninh) tác phẩm “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ cũng được làm bằng gốm sứ viết dưới dạng chữ Hán, cao 4,5m, dài 10m với tổng số 214 chữ.

 

 

     Trao đổi với chúng tôi bên tác phẩm “Bình Ngô đại cáo”, ông Hòa không khỏi tự hào khi cho biết: Toàn bộ chữ Hán trong bài “Bình Ngô đại cáo” do Hương Nam Trần Đức Cảnh - người mà ông Hòa gọi bằng thầy - kính bút. Toàn bộ tác phẩm Bình ngô đại cáo gồm 1.350 chữ Hán làm bằng gốm, các con chữ được khắc màu xanh gỗ ban, trên nền gạch men màu trắng tinh khiết. Mỗi chữ cao 18,5cm, rộng 16,5cm. Khi hoàn thành, gắn trên tường, nếu đứng xa 20m du khách vẫn có thể đọc rõ.

 

Để tạo nên các khuôn chữ hài hòa cân đối, thì phải viết được thuần thục chữ Hán đúng quy cách, ví như viết được chữ “Nhất” phải đúng 7 động tác, phải có bàn tay khéo, và lòng kiên trì… Qúa trình thực hiện, đầu tiên là viết chữ, sau đó lấy dao khắc từng con chữ, rồi tráng men và đưa vào lò nung ở nhiệt độ 1.200 độ C. Trong quá trình viết, chữ hay bị cong vênh, nứt nẻ, điều này chỉ có thể khắc phục được bằng thủ thuật nghề và lòng kiên trì của ông Hòa. Được biết, mỗi ngày hai bố con ông Hòa chỉ làm được 10 chữ. Trong đó ông Hòa thực hiện phần khó nhất là khắc chữ, con trai ông thực hiện việc làm men và vào lò.

 

Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” bằng chất liệu gốm sứ là món quà quý nghệ nhân Phạm Xuân Hòa dâng cho Thăng Long- Hà Nội. Đồng thời ông muốn nhắc nhở con cháu mai sau được biết và chiêm ngưỡng lại “áng thiên cổ hùng văn sáng mãi muôn đời”, từ đó thêm tự hào dân tộc./.

Lượt truy cập: 3153 - Cập nhật lần cuối: 16/09/2011 15:32:00 PM

Giỏ hàng