Làng gốm sứ Kim Lan

     Dọc theo dòng Bắc Hưng Hải là làng gốm Bát Tràng quanh năm nhộn nhịp, tấp nập du khách. Thế nhưng ít ai trong số những người đến Bát Tràng biết rằng nằm ngay bờ bên kia của con sông lại tồn tại một làng gốm khác cũng nổi tiếng không kém, vốn là cái nôi của nghề gốm, là quê hương của các sản phẩm đồ gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long - làng gốm cổ Kim Lan.

     Cùng trên tuyến đường về Bát Tràng, làng gốm cổ Kim Lan nằm ở phía bên kia dòng sông Bắc Hưng Hải. Đi qua chiếc cầu Cống Xuân Quan, rẽ phải khoảng 200 mét bạn sẽ vào đến làng nghề. Điều đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy đó chính là mùi nồng nồng đặc quánh do những người dân làng nghề nơi đây sản xuất gốm theo cách thức thủ công. Có thể nhận thấy những thao tác làm gốm ở làng Kim Lan vẫn không hề thay đổi, vẫn là lò nung đốt bằng than, mồi lửa bằng củi, họa hoằn lắm mới có một vai hộ gia đình sử dụng lò ga theo cách thức mới.

 

     Nghề làm gốm ở Kim Lan xuất hiện từ bao giờ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp xác đáng. Tuy nhiên, theo những tài liệu mới thu thập được của các nhà nghiên cứu khảo cổ cũng như của các cụ hưu trí ở làng Kim Lan khi đi tìm về lịch sử của làng thì vào khoảng thế kỷ thứ IX, tướng quân Cao Biền nhà Đường sang đánh quân Nam Chiếu, khi đi qua xã Kim Lan thu lúa nuôi quân thấy nơi đây phong cảnh hữu tình bèn sai bề tôi là Trạc Linh và Chử Việt lập doanh trại để ở, cùng dân canh tác, trồng dâu nuôi tằm và mở xưởng làm gốm với mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày.

 

      Những chứng tích phát lộ trên bờ sông bị sạt lở vào năm 2000 càng có cơ sở để các nhà nghiên cứu khẳng định được rằng nghề làm gốm ở Kim Lan có nguồn gốc từ rất lâu đời và đã có thời kỳ phát triển cực thịnh. Trong số những di vật ấy phải kể đến những đồ gốm sứ có niên đại từ đời Đường (thế kỷ VII-thế kỷ X) đến thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Phổ biến nhất là gốm đời Trần và Lê với các chủng loại như men nâu, men trắng ngà, men xanh ngọc và gốm hoa lam là một loại gốm cao cấp... Phong cách thể hiện hoa văn trên những di vật gốm này giống với một số mảnh gốm đã được tìm thấy ở Philippin và Indonesia cho thấy nhiều khả năng, sản phẩm gốm Kim Lan đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

 

     Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn tìm được nhiều hiện vật kim loại như chuông thờ, lư hương, tiền cổ, các hiện vật gốm, đất nung như gạch, ngói, đầu rồng, điếu bát, đĩa, bát, hũ, vò, chậu, nồi, ấm... và đặc biệt có mẫu gạch Giang Tây Quân tại bãi Hàm Rồng xã Kim Lan, trùng hợp với mẫu gạch tướng Cao Biền dùng xây thành Đại La….. Với những báu vật đã tìm được, chính quyền xã Kim Lan đã cho xây dựng ngay một Nhà trưng bày đặt cạnh trụ sở UBND xã nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của các nhà khảo cổ cũng như du khách đến với làng nghề.

 

     Đã có thời gian, làng gốm Kim Lan gần như bị thất truyền, người dân di tản khắp nơi kiếm sống. Vài chục năm trước, những nghệ nhân Kim Lan từng làm việc tại các lò gốm Bát Tràng quyết định quay lại làm nghề tại chính mảnh đất quê hương mình mà mãi sau này họ mới biết đó là nơi khởi thủy của nghề gốm. Cho tới thời điểm hiện tại, hơn hai trăm hộ dân tại xã Kim Lan đã và đang thành công trong việc khôi phục và phát triển làng nghề cổ truyền của mình.

 

     Sản phẩm gốm Kim Lan không quá cầu kỳ về chi tiết nhưng lại rất tiện dụng và thoải mái cho người sử dụng. Các sản phẩm của làng nghề rất phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm nhỏ tinh xảo như chiếc ống đựng tăm, đế nến, bát hương cho tới những sản phẩm lớn như chậu cảnh … Một điều đặc biệt nữa là gốm xây dựng Kim Lan đã trở thành một thương hiệu có tiếng của cả nước như gạch, ngói trang trí, con tiện lan can. Nếu đến Kim Lan bạn sẽ dễ dàng nhận ra một màu đỏ tươi trên hầu hết các mái nhà cao tầng được lợp bằng ngói trang trí – sản phẩm của làng nghề, trải dài từ đầu làng tới cuối xã.

 

 

Làng gốm kim Lan


     Anh Nguyễn Văn Hà, chủ một lò gốm ở thôn Thống Nhất vốn là công nhân của Xí nghiệp Gốm Bát Tràng cho biết, nguyên liệu sản xuất gốm của làng nghề Kim Lan được khai thác từ các mỏ cao lanh cách xa khoảng 80km ở Kinh Môn, Hải Dương. Đây là mỏ nguyên liệu có trữ lượng dồi dào và được dân làng nghề ưa chuộng hơn cả loại đất gốm ở Vĩnh Phúc bởi độ chịu nhiệt cao.

 

     Từ những nguyên liệu thô này, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn chế biến như đánh tan, lọc đất (làm lắng), ép luyện, định hình (nặn, vuốt…). Một trong những kỹ thuật cổ truyền vẫn được người thợ làng gốm Kim Lan áp dụng là sử dụng đèn soi để sấy khô sản phẩm khi thời tiết có độ ẩm cao. Sau khi đạt được độ cứng theo yêu cầu, những người thợ tài hoa tiếp tục vẽ trang trí theo yêu cầu của khách hàng, rồi qua công đoạn tráng men và cuối cùng là nung. Mỗi sản phẩm cho dù kích thước bé xíu như chiếc hộp tăm, đũa ăn cơm hay các bể cảnh cỡ đại đều trải qua quá trình nung trong vòng 6 tiếng, nhiệt độ lên tới 1.700 độ.

 

     Từ nguyên liệu đất gốm, qua bàn tay tài hoa và khéo léo của các nghệ nhân làng nghề, sản phẩm gốm Kim Lan giờ đã có mặt trên khắp cả nước với mẫu mã đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Sản phẩm của làng nghề không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Cùng thời gian, người dân Kim Lan đang từng bước khôi phục thành công thương hiệu của một làng nghề cổ truyền từng một thời nức danh cả nước.

Lượt truy cập: 5005 - Cập nhật lần cuối: 27/10/2011 17:25:24 PM

Giỏ hàng