Một lão nông với niếm say mê gốm sứ

      Hơn 50 năm sưu tầm trên 600 món đồ gốm sứ, ngôi nhà của ông Hai Hương ở xã Minh Hòa, Dầu Tiếng (Bình Dương) như một bảo tàng nhỏ cổ vật, có món được ông giới thiệu là đã hàng nghìn năm tuổi.

     Ông Hương, tên thường gọi của ông Tiện, sinh năm 1941, là một lão nông có tiếng ở Dầu Tiếng với mô hình nuôi gà công nghiệp. Song giới mê gốm sứ ở Bình Dương, TP HCM thì biết tiếng ông là người đam mê sưu tầm những vật dụng từ gốm sứ.

 

     Ngôi nhà của ông trở thành bảo tàng gốm sức, với những tủ kính được xếp ngay ngắn, san sát nhau chứa vô số những món đồ sứ độc đáo; những chiếc rương, trường kỷ sang trọng; bình gốm, lọ, bát, tượng các loại... sắp xếp theo từng chủ đề.

 

Lão nông mê gốm sứ, ông Hai Hương.

 

     Khi còn là sinh viên ngành địa chất, ông Hai Hương đã đam mê những sản phẩm làm từ đất, đá. Để tìm câu trả lời phía sau tấm màn bí ẩn về chất đất, nước men đã tạo ra những đồ gốm sứ tuyệt đẹp, ông lao mình vào cuộc khám phá thế giới gốm sứ và nó như một định mệnh.

 

     Ông bộc bạch: “Ngay từ nhỏ, tôi đã được cha truyền lại thú chơi đồ gốm. Tôi bị cuốn hút bởi những chi tiết độc đáo, lạ mắt, nét bút tinh xảo trên từng chiếc bình, bát bằng gốm, đá".

 

     Những món đồ gia đình ông sưu tầm được trước đây đã bị chiến tranh phá hoại. Cậu sinh viên ngành địa chất sau đó được đi nhiều nơi và tiếp cận với nhiều nền văn minh khác nhau, có cơ hội phát hiện và tìm thấy những món đồ gốm sứ cổ rồi cố gắng tiết kiệm tiền để mua. "Tiêu chí của tôi là 'tích tiểu thành đại', bởi vậy giờ đây tôi đã có bộ sưu tập cho riêng mình”, ông già cười sảng khoái khoe.

 

     Sau khi mấy mươi năm hoạt động trong ngành địa chất, ông Hương về hưu và bắt đầu sự nghiệp trên mảnh đất Minh Hòa từ năm 1999. Công việc của người nông dân đầy vất vả, bận bịu tối ngày nhưng mỗi khi nghe ở đâu có trưng bày giới thiệu gốm sứ là ông tìm đến ngay, chiêm ngưỡng rồi tậu về vài món ưa thích.

 

     Ông Hương có tiếng trong giới bạn bè tại Bình Dương, TP HCM về niềm đam mê gốm sứ cổ. Bên cạnh đó ông còn sưu tầm những sản phẩm gốm sứ tân thời. Theo ông, mỗi một thời đại, gốm sứ có nét đẹp riêng, tinh xảo riêng, đặc trưng nhận biết do mỗi một nghệ nhân khác nhau tạo ra. Bởi vậy đã mê gốm phải biết tận hưởng vẻ đẹp hiện đại và cổ điển của chúng.

 

     Hiện nay, “không gian gốm sứ” của ông có tới hơn 600 món đồ gốm, sứ, đá từ các nước và của nhiều niên đại khác nhau. Trongđó có vô vàn đồ độc như kho tàng đồ gốm men trắng xanh đời Minh - Thanh Trung Quốc, bộ sưu tập đồ gốm sứ Chu Đậu. Hơn thế nữa, ông Hương còn là chủ nhân của khoảng 200 món vật dụng bằng đá đã có cách đây hàng nghì̀n năm.

 

     Không chỉ thưởng thức vẻ đẹp, ông còn bỏ ra không ít thời gian để nghiên cứu xuất xứ của từng món đồ có trong tay. Chính vì vậy trong cái không gian chật hẹp của ông, nay còn chật hơn bởi có không ít những cuốn sách về khảo cổ, sách nghiên cứu về văn hóa, sự hình thành và phát triển gốm sứ các nước. “Đi tìm xuất xứ, khai sinh cho mỗi món đồ cũng là một niềm đam mê, hạnh phúc của tôi. Những món đồ càng khó tìm nguồn gốc, càng lâu thì càng làm tôi thích thú”, ông Hương nói.

 

Bộ sưu tập bình gốm đỏ của ông Hương.

 

     Chỉ cho khách xem bộ sưu tập về hàng trăm mẫu gốm thuộc đủ các niên đại khác nhau, ông bảo cứ nhìn gốm là biết nó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn, đời Trần thì họa tiết đã đạt đến độ tinh xảo, men dày và sâu hơn. Nhà Lê thì lại có men trắng xanh, họa tiết rối hơn. Thời nhà Lý, đồ gốm có màu nâu, họa tiết cánh sen… Tuy nhiên, ông cho rằng tác phẩm do người Việt tạo ra vào những thời đại đó chưa thật sự đặc sắc bởi chỉ là sản phẩm thô, chưa có nét vẽ̉ trên gốm đặc sắc.

 

     Tự nhận sở thích của mình là “ngông", ông Hương nói: “Tôi được lợi nhiều lắm từ chơi gốm, không phải lợi nhuận về mặt kinh tế mà về mặt tâm lý, văn hóa, tinh thần, lợi đâu chỉ tính bằng tiền”.

 

     Ông già này cũng đang là chủ nhân của hàng trăm bộ tem các loại, đặc biệt trong đó có bộ tem Di cư. Đồng thời, ông còn có thú sưu tầm vũ khí các thời kỳ trong và ngoài nước. Với những hiện vật mình có, ông Hai Hương mơ ước sẽ lập thành lập một bảo tàng của gia đình tại vùng đất Minh Hòa, có các khu trưng bày gốm sứ Việt Nam, gốm sứ Giang Tây, đồ đá, các loại vũ khí chiến đấu cổ…

 

     Ông nói: “Tôi phải làm việc này không chỉ vì niềm đam mê của bản thân mà còn muốn lưu giữ cho thế hệ con cháu mai sau. Đây cũng là cách thiết thực nhất để lưu giữ những di sản của cha ông ta để lại từ ngàn đời nay”.

 

     “Yêu cổ vật cũng cần trình độ, bởi đó không chỉ là hiện vật đơn thuần, mà còn là hình ảnh văn hóa của cả một thời đại”, ông già chia sẻ.

Lượt truy cập: 3979 - Cập nhật lần cuối: 31/01/2012 15:21:50 PM

Giỏ hàng