Làng gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng

     Làng Giang Cao, xã Bát Tràng từ bao đời nay vẫn sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, nghề mộc, làm gạch, ngói. Nhưng khoảng hơn 60 năm trở lại đây, làm gốm sứ đã trở thành nghề chính được các thế hệ thợ nghề Giang Cao truyền từ đời này sang đời khác để lưu giữ và phát triển. Nhờ vậy mà gốm Giang Cao dần dần trở thành một thương hiệu gốm có tiếng và được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng

Làng gốm Giang Cao trước đây có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Ca và đến thời nhà  Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. So với lịch sử làm gốm của Kim Lan (800 năm) và làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao tuổi nghề còn   trẻ, nhưng với sự năng động sáng tạo và sức bật vào nghề của đội ngũ thợ trong làng nên sản phẩm  gốm Giang Cao đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.

Theo các cụ kể lại, trước đây, người dân làng Giang Cao chủ yếu đi làm thuê cho các lò gốm ở làng Bát Tràng. Thời Pháp thuộc, năm 1941, ông Phán Sồ (người đã đỗ Tú tài) đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm sứ Ngọc Quang, được coi là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao.

Ông Đặng Đình Túc, nguyên Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: "Năm 1961, Giang Cao ra đời hai tổ sản xuất Hợp Lực và Trí Thành, mỗi tổ có khoảng 20 người. Tháng 5-1962, sáp nhập với nhau thành hợp tác xã Hợp Thành. HTX ban đầu chỉ có khoảng 400m2 với 39 xã viên nhưng sau một năm đã mở rộng diện tích trên 1000m2, xây được lò gốm với 5 bầu, sản lượng mỗi năm từ bảy trăm ngàn đến hơn chín trăm ngàn sản phẩm, chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước...Nhờ thành tích đó mà HTX Hợp Thành được Chính phủ giao nhiệm vụ sản xuất bát lá sen, chậu cảnh trồng cây ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được làm lọ hoa rạn, đắp nổi dâng chúc thọ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Năm 1976, HTX được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba".
                                   
Kế thừa và phát huy được những tinh hoa  trong nghề làm gốm của những người đi trước, con cháu làng Gốm Giang Cao hiện nay tiếp tục phấn đấu đưa sản phẩm của làng có mặt ở rất nhiều thị trường trên thế giới như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Pháp.... Không chỉ có chất lượng tốt, gốm Giang Cao còn chinh phục khách hàng bởi mẫu mã đẹp. Để làm được như vậy, các sản phẩm gốm Giang Cao phải tuân theo một quy trình sản xuất khắt khe.

Đầu tiên là khâu chọn đất. Đất làm gốm là đất sét trắng được khai thác ở Hồ Lao, Trúc Thôn vì đất ở đây có độ dẻo cao, khó tan trong nước, hạt mịn, màu trắng xám, độ chịu lửa ở khoảng 1.650 độ C. Sau khi lấy đất về phải qua khâu pha chế. Trong đất nguyên liệu thường có lẫn tạp chất, ngoài ra tuỳ theo yêu cầu của từng loại gốm khác nhau mà có thể có những cách pha chế đất khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Sau khi đã có đất thành phẩm là đến khâu tạo dáng.

Phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng Giang Cao là làm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm sử dụng phổ biến lối "vuốt tay, be chạch" trên bàn xoay. Người thợ "đắp nặn" gốm phải là người có trình độ kĩ thuật và mỹ thuật cao. Có khi họ đắp nặn một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, nhưng cũng có khi họ đắp nặn từng bộ phận riêng rẽ của một sản phẩm và sau đó tiến hành chắp ghép lại.


Hiện nay theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp hay mĩ nghệ, nghệ nhân gốm ở Giang Cao có thể đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt. Sau đó sản phẩm gốm được mang đi phơi sấy và sửa lại, nếu theo yêu cầu trang trí, có thể đắp thêm đất vào một vài vùng nào đó trên sản phẩm rồi cắt tỉa để tạo hình (đắp phù điêu), có khi phải khắc sâu các hoạ tiết trang trí trên mặt sản phẩm...Hoặc nếu vẽ hoa văn thì thợ gốm dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn họa tiết.

Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hoà với dáng gốm, các trang trí hoạ tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật, mỗi cái là một tác phẩm. Thợ gốm Giang Cao đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu...Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp rồi sau đó mới đem tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung.
Sản phẩm mộc trước khi đem tráng men phải được làm sạch bụi bằng chổi lông. Kĩ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng nhất là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là "kìm men", và khó hơn cả là hình thức "quay men" và "đúc men". Sản phẩm mộc sau quá trình gia công hoàn chỉnh được đem vào lò nung. Ở Giang Cao thường sử dụng 3 loại lò nung: lò bầu, lò hộp và hiện nay phổ biến nhất là lò gas. Xếp sản phẩm trong lò nung như thế nào là tuỳ theo sản phẩm và hình dáng kích, cỡ của bao nung trên nguyên tắc vừa sử dụng triệt để không gian trong lò vừa tiết kiệm được nhiên liệu mà lại đạt hiệu quả nhiệt cao.

Thời gian đốt lò kể từ lúc nhóm lửa đến khi hoàn toàn tắt lửa kéo dài khoảng 3 ngày 3 đêm. Sau khi nung
xong, người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội trong lò kéo dài 2 ngày 2 đêm, sau đó mới mở cửa lò và để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa rồi mới tiến hành ra lò. Sau khi lò nguội, sản phẩm ra lò được đánh giá phân loại và sửa chữa lại các khuyết tật (nếu có thể được) trước khi đem ra phân phối sử dụng.

Sản phẩm gốm sứ Giang Cao với nhiều chủng loại, nhiều màu sắc, chất lượng độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nhiều dòng gốm  đang thu hút sự chú ý của khách hàng trong và ngoài nước như gốm men giả đá, men rạn, men co, men ngọc... được thể hiện trên các loại sản phẩm như lọ hoa, tượng, con giống, mảng tranh gốm, đồ thờ... Đặc biệt một số cơ sở sản xuất gốm của làng chuyên sâu vào lĩnh vực gốm ứng dụng trong kiến trúc và mỹ thuật.

Hiện nay, Giang Cao có 41 công ty, doanh nghiệp tư nhân và 774 hộ tham gia sản xuất gốm sứ. Sản phẩm gốm sứ ước tính theo quy đổi của làng luôn chiếm hơn 55% tổng sản phẩm của xã Bát Tràng. Tiếng tăm vang xa, sản phẩm gồm Giang Cao vinh dự được chọn cung cấp nguyên liệu cho dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Cố đô Huế, khu chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Đáp đền sự nỗ lực của một làng gốm "sinh sau đẻ muộn", ngày 15/2 âm lịch vừa qua, Giang Cao vinh dự đón nhận Bằng công nhận Làng nghề truyền thống Hà Nội cùng với 15 làng nghề khác do UBND Thành phố trao tặng. Đây chính là động lực để gốm Giang Cao vươn xa hơn nữa trong làng gốm Việt Nam.
Lượt truy cập: 4287 - Cập nhật lần cuối: 29/08/2011 09:13:33 AM

Giỏ hàng