Giới thiệu cơ bản về đồ gốm

     Một hiện vật gốm là hiện vật được làm bằng đất nung ở nhiệt độ ít nhất là 500oC. Ở nhiệt độ này, những tác động của nhiệt độ là không thể thay đổi và cốt đất làm từ đất sét sẽ trở thành gốm.

Gốm Bát Tràng


     Độ thấm của sản phẩm gốm có thể được dùng như một tiêu chí cho sự phân loại đơn giản nhất về đồ đất nung (độ thấm trên 5 %) và đồ gốm cứng, Người ta có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau theo kiểu cốt đất mà người ta sử dụng và nhiệt độ nung:

 

+ 500 – 900oC        : đồ đất nung ở nhiệt độ thấp.

 

+ 900 – 1.150oC     : đồ đất nung.

 

+ 1.150 – 1.300oC : đồ gốm cứng.

 

+ 1.300 – 1.450oC : đồ sứ.

 

     Thuật ngữ “nung bánh bích quy” (bisquit bake) để chỉ việc nung một vật bằng đất chuyển sang tình trạng như bánh bích quy. Tiếp theo, người ta tráng men và trang trí rồi nung lần thứ hai, trừ phi người ta để mộc không tráng men vật đó.

 

     “Màu sắc dưới men” (underglazed enamel) là áp dụng cho đồ sứ mới nung lần thứ nhất và tiếp theo là tráng men rồi đem nung. Vì thế những chi tiết trang trí được men phủ lên và bảo vệ.

 

     Màu vẽ trên men hoặc màu vẽ bằng men (overglazed enamel) được phủ trên bề mặt. Vì thế, chúng ít chịu được sự cọ xát và mài mòn, ít bền hơn màu trang trí dưới men. Tuy nhiên, người ta sử dụng nhiều loại màu sắc phong phú ở hình thức màu vẽ trên men khi nung ở nhiệt độ thấp hơn.

 

     Những loại đồ vật làm bằng bùn phơi khô dưới nắng như gạch, những con số và các bảng chữ hình nêm (giống như chữ Ba Tư và Assyria cổ) sẽ được xem như một bộ phận hình thành nên sưu tập đồ gốm, nhưng không được nung. Nếu để trong nước một thời gian, những hiện vật này sẽ bị phân rã.

 

1. Đồ gốm bằng đất sét nung (Earthenware):

 

     Thuật ngữ “đồ gốm bằng đất sét nung” chỉ loại đồ gốm thủ công được phân loại từ thô đến tinh, thường có mục đích sử dụng thiết thực, được khắc hoặc sơn để trang trí. Người ta có thể tiến hành việc hoàn thiện bề mặt bằng nhiều công đoạn khác nhau để tăng khả năng chống thấm hoặc để trang trí. Việc đánh bóng có thể được tiến hành vào giai đoạn làm áo trước khi nung để cho ra một sản phẩm tuyệt hảo và tăng khả năng chống thấm (ví dụ đối với những hiện vật thời Villanovan). Một lớp áo mỏng (bằng một loại đất sét được làm mịn) được gọi là “nước áo” được phủ lên bề mặt ở giai đoạn làm cốt trước khi nung. Kiểu làm này mỏng manh dễ vỡ hơn là tráng một lớp men (chẳng hạn đồ gốm Attic màu đỏ và đen, đồ Arrentine và đồ Samian). Nước áo màu trắng đặc biệt mỏng manh và dễ bị ố (ví dụ đồ sứ trắng Hy Lạp).

 

2. Đồ gốm nâu đỏ không tráng men (Terracotta):

 

     Đồ gốm nâu đỏ không tráng men (gọi một cách văn vẻ là “đồ đất nung”) được nung ở nhiệt độ xấp xỉ 950oC. Đồ gốm nâu đỏ không tráng men có thể là những bức tượng đất nhỏ bé, nhưng cũng có khi là những vật có kích thước rất lớn như những chiếc lư, những phù điêu và chi tiết trang trí trên kiến trúc. Chúng được đổ khuôn, và thường không được tráng men nhưng có một lớp “vỏ nung” bên ngoài trong suốt quá trình tạo mẫu bằng đất sét ướt trước khi đưa vào lò nung.

 

     Đôi khi trước lúc nung, ở giai đoạn làm áo, người ta trang trí màu trắng trơn hoặc nếu trang trí theo từng đoạn, người ta thực hiện trước và sau khi nung (ví dụ những bức tượng bằng đất nung Tanagra của Hy Lạp). Thỉnh thoảng, những đồ vật bằng gốm nâu đỏ không tráng men được bọc bằng một lớp vôi bám, rồi trang trí theo từng đoạn và/hoặc mạ vàng (chẳng hạn những chiếc lư ở Etruscan).

 

3. Đồ gốm đất nung có tráng men (Glazed earthenware):

 

     Đồ gốm đất nung có tráng men được phân loại theo đặc điểm về men và trang trí. Men được làm từ thủy tinh và kết dính với gốm trong quá trình nung lần thứ hai. Đồ gốm bằng đất sét nung có tráng men gồm gốm trắng, gốm màu ngà, màu ngọc bích và tất cả loạiì gốm Staffordshire. Đồ gốm tráng men màu thiếc bao gồm gốm Delft, Faience và Maiclica.

 

4. Đồ gốm trơn (Lustreware):

 

     Đồ gốm trơn có thêm sự xuất hiện của kim loại trong men, hoặc là phủ toàn bộ hoặc là theo mẫu (Đồ sứ cũng thường sử dụng cách này)

 

5. Đồ sành cứng (Stoneware):

 

     Nằm giữa hai loại đồ gốm đất nung và đồ sứ, đồ sành cứng được làm bằng đất sét và một loại đá có thể nấu chảy được. Nó cứng, mạnh và trong như thủy tinh. Cả lớp cốt và men chín cùng một lúc, hình thành nên một lớp hỗn hợp cốt và men hòa vào nhau. Đôi khi, người ta dùng một lớp men có muối cho những mục đích trang trí. Màu của loại đồ sành này có thể là vàng, nâu đậm, xám hoặc xanh (chẳng hạn đồ sành cứng được tráng men muối của Anh và Rhen, đồ gốm ngọc thạch anh và đá bazan không tráng men Wedgwood, đồ gốm men ngọc của Trung Quốc).

 

6. Đồ sứ (Porcelain):

 

Có ba loại đồ sứ chính: đồ sứ cứng, đồ sứ xốp và đồ sứ làm bằng đất sét và tro xương (bone china). Đồ sứ cứng và đồ sứ xốp đều được nung ở nhiệt độ giữa 1.200oC và 1.450oC. “Cứng” tương ứng với đồ sứ nung ở nhiệt độ khoảng 1.450oC và “nhẹ xốp” ứng với nhiệt độ nung vào khoảng 1.200oC.

 

a. Đồ sứ cứng (Hard paste porcelain):

 

     Đồ sứ cứng cũng được coi là đồ sứ “thật sự” hay “đồ sứ nung ở nhiệt độ cao”. Nó được làm từ đất sét trắng chịu nhiệt (kaolin) và một loại đá trường thạch được nấu thành thủy tinh và thường có màu trắng. Khi mỏng, nó trong mờ. Cốt đất và men trộn với nhau tạo ra một lớp cốt – men rất dày làm cho loại đồ sứ này rất cứng. Loại này được làm lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 900 sau Công nguyên nhưng không thành công bằng loại được làm tại châu Âu sau này vào năm 1700 ở Meissen khi kỹ thuật đã trở nên hoàn thiện. Những đồ sứ loại này của Trung Quốc và Nhật Bản, đồ sứ Meissen, đồ sứ Vienna, đồ sứ Sèvre, đồ sứ Plymouth và đồ sứ Bristol là những ví dụ minh họa.

 

b. Đồ sứ xốp (Soft paste porcelain):

 

     Loại đồ sứ này cũng được coi là đồ sứ “giả” hay “đồ sứ được nung ở nhiệt độ thấp”. Người ta cố gắng bắt chước đồ sứ Trung Quốc thật sự và làm bằng những cách khác nhau nhưng tất cả đều có chứa thủy tinh. Đó là những đồ sứ như đồ sứ Medici, Capodimonte, Routen, Vincennes, Bow, Chelsea, Worcester.

 

c. Đồ sứ đẹp làm bằng đất sét và tro xương (Bone china):

 

     Đây là loại đồ sứ thực sự được làm thay đổi bằng cách thêm tro xương vào loại đất sét có chất lượng tốt nhất (kaolin) và đá trường thạch. Ở Anh, tro xương được thêm vào đồ sứ giả tạo và đồ sứ thứ thiệt vào khoảng năm 1800 và hiếm khi kỹ thuật này vượt ra khỏi biên giới nước Anh. Việc nung đồ sứ đẹp loại này khác với quá trình sản xuất đồ sứ. Công đoạn nung đồ sứ chưa tráng men được tiến hành ở nhiệt độ khoảng 1.300oC, rồi phủ men ở nhiệt độ thấp hơn, khoảng 1.100oC.

Lượt truy cập: 10011 - Cập nhật lần cuối: 28/05/2012 12:02:21 PM

Giỏ hàng