Con đường gốm sứ ven sông Hồng

     Những dòng người nô nức kéo về Hà Nội – khi thủ đô bước sang nghìn năm tuổi để ngắm nhìn những công trình nghệ thuật giữa lòng Hà Nội. Tâm điểm và là nơi thu hút nhiều khách tham quan nhất , đó chính là khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

     Bờ hồ, Đinh Tiên Hoàng Tràng Thi, Điện Biên Phủ tràn ngập vẻ rực rỡ của đền trang trí, đặc biệt là khi trời tối. Tất cả đều mang nét hiện đại của một thành phố đang chuyển mình đang dần lớn mạnh cả về kinh tế  và xã hội. Xa sự ồn ào, náo nhiệt, tưng bừng đầy ánh sáng của trung tâm thành phố, là vẻ đẹp rất riêng, rất khác biệt của Con đường gốm sứ.

 

 

     Trải dài trên đê Sông Hồng, Con đường gốm sứ là một trong những công trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến với con đường gốm sứ ta sẽ có một cảm giác rất khác so với những điểm vui chơi, những điểm được trang hoàng trong thành phố Hà Nội. Ở con đường gốm sứ toát lên vẻ lôi cuốn đến kì lạ. Lặng lẽ đi dọc con đường gốm sứ ta đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi ở đó có hình ảnh về những sự kiện lịch sử tiêu biểu, hình ảnh của Hà Nội xưa và nay, hình ảnh nông thôn và thành thị,rồi cả những đóng góp của các em nhỏ cho con đường gốm sứ cũng được lưu giữ ở đây.

 

     Con đường gốm sứ sẽ làm cho tâm hồn bạn được bay bổng, thỏa sức tưởng tượng với những hình ảnh được tái hiện trên đó. Có những hình ảnh thật dễ tưởng tượng, thật quen thuộc như: hình ảnh Phố cổ, cầu Long Biên,Ô Quan Chưởng, chùa Một Cột, cột cờ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử giám, Tháp rùa, cầu Thê húc…là những hình ảnh được tái hiện khá nhiều trên Con đường gốm sứ.Có không ít hình ảnh tái hiện một sự thật lịch sử hay truyền thuyết như: hình ảnh vua Lê Lợi trao trả gươm thần cho cụ rùa giữa Hồ Gươm, hình ảnh đàn chim lạc…tất cả đem lại vẻ phong phú, đa dạng, đày màu sắc cho con đường.

 

 

     Các tác giả đã dành một phần riêng để tái hiện lại hoạt động làm gốm của người dân Bát Tràng, nơi  làm ra phần lớn các sản phẩm gốm, các viên gạch gốm để làm nguyên liệu cho việc thực hiện ý tưởng con đường gốm sứ Sông Hồng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Ở đó là hình ảnh các nghệ nhân tỉ mỉ, chăm chú nặn đất, trang trí hoa văn lên các sản phẩm; đem vào nung để rồi một sản phẩm gốm ra đời. Hình ảnh đó giúp cho chúng ta cũng như du khách nước ngoài hiểu hơn về quy trình làm gốm và sức sống lâu bền của làng gốm Bát Tràng

 

     Bên cạnh hình ảnh về danh lam thắng cảnh; hình ảnh về hoạt động lao động, sản xuất; hình ảnh về những trò chơi dân gian  như: nhảy dây, múa lân, rước đèn ông sao, rước đèn cá chép…họa sĩ Nguyễn Thu Thủy dành một đoạn đường riêng để các em nhỏ trong nước cũng như quốc tế thỏa sức thể hiện sức sáng tạo của mình.  Với tên goi “ Đoạn tranh do thiếu nhi sáng tác”, đoạn đường này thu hút sự chú ý của rất nhiều bạn nhỏ tuổi bởi ở đó có những hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu do chính các em sáng tạo nên, do chính các em gắn trên Con đường gốm sứ.

 

     Hình ảnh lớn nhất và nổi bật nhất của Con đường gốm sứ là một bức tranh lớn về  hình tượng rồng thời Lý cùng hàng chữ Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm,tại nút giao thông cầu Chương Dương. Đây là hình ảnh mang ý nghĩa chào đón thủ đô Hà Nội sắp bước sang nghìn năm tuổi.

 

    Con đường gốm sứ - nơi hội tụ nhiều nét đẹp của đất nước Việt Nam có thể không rực rỡ sắc đèn, không sáng bừng như những địa điểm trong lòng thành phố nhưng nó vẫn mang một nét riêng, một nét rất khác biệt. Nó làm những con đường trở nên đẹp hơn, sinh động hơn, và quan trọng hơn, nó là nơi gửi gắm tình yêu Hà  Nội, lòng tự hào về lịch sử, văn hiến của những nghệ nhân ngày đêm tỉ mỉ làm nên những bức tranh gốm đầy màu sắc, đầy sự sáng tạo, công phu, khéo léo ..tất cả tạo nên một con đường gốm sứ trải dài gần 4000m với những nét phong phú, đa dạng.

Lượt truy cập: 3439 - Cập nhật lần cuối: 30/09/2011 16:02:48 PM

Giỏ hàng