Đôi bình sứ cổ được tìm thấy trong kho đồ đồng nát.
Qua nhiều “chủ”, trong đó có cả Pháp, Nhật rồi sau đó mất tích một thời gian dài gần nửa thế kỷ, đến năm 2003, đôi bình quý hiếm này mới được tìm thấy ở kho chứa đồ bỏ đi của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, mà theo ông Trần Trọng Hà – Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh – chỉ vài ngày sau đống đồ bỏ đi này sẽ được thanh lý theo dạng đồng nát. Chưa nói về giá trị văn hóa – lịch sử, theo đánh giá của giới buôn đồ cổ, cặp bình sứ cổ “Bách điểu” này ít nhất cũng có giá vài trăm ngàn USD, thậm chí lên tới triệu USD.
Cặp bình giá trị
Theo các chuyên gia hàng đầu về gốm sứ cổ của Việt Nam, đôi bình này có niên đại đời Thanh, cách đây khoảng trên 200 năm. Với chiều cao 1,4m, chiều rộng gần 0,5m, đây là đôi bình “Bách điểu” lớn nhất trong sưu tập cổ vật gốm sứ cổ Việt Nam. Hiện, ở Bạch Dinh, TP.Vũng Tàu cũng có một đôi bình tương tự, nhưng thấp hơn đôi bình ở Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 5cm.
Trong con mắt của giới chơi đồ cổ chuyên nghiệp, cặp bình này có dáng của kẻ quân tử, cổ cao, đại trí, đại đức, đại dũng và đại lễ. Xương bình làm bằng đất cao lanh trắng, lọc rất kỹ nên có màu trắng mịn, hơi bán thấu, đạt đến sự hoàn hảo của đồ sứ. Gõ vào thân bình có tiếng vang và ngân như chuông.
Bình được tráng men trắng, vẽ hoa lam, với màu lam ngọc, được trang trí các họa tiết hoa lá, đá, nước và 100 con chim theo chủ đề “Bách điểu chầu hoàng” – một trong những chủ đề rất khó thể hiện, hiếm có trong các sưu tập gốm cổ.
Nghệ nhân đã dồn hết tâm lực, gửi gắm hồn mình tạo dựng một khu vườn đầy ánh nắng, sắc màu và tiếng chim hót với nhiều phong cảnh khác nhau, ca ngợi cuộc sống thanh bình, phồn thịnh. Chỗ công bút, dồn tâm, tụ lực thể hiện tính quý phái, gia trưởng của các loại chim công, chim tước; chỗ giản dị nhưng đầy sức sống khi thể hiện các loài chim sẻ, chích chòe, sáo…
Nửa thế kỷ lưu lạc
Đôi bình sứ cổ này được cho là xuất hiện ở Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) vào thế kỷ thứ XIX, trong một gia đình quan tuần phủ tỉnh Quảng Yên, thời Pháp thuộc. Sau đó, vị quan này đã tặng đôi bình cho quan công sứ Pháp.
Đôi bình “Bách điểu” hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. Phần khuyết ở miệng bình được cho là do lính Nhật chém.
Từ đó cho tới ngày quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1954, đôi bình sứ cổ “Bách điểu” đời nhà Thanh luôn có một vị trí trang trọng trong tòa công sứ Pháp tại Quảng Yên. Tòa nhà này vẫn còn nguyên vẹn và hiện là trụ sở làm việc của UBND thị xã Quảng Yên. Khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương vào năm 1945, tòa công sứ Quảng Yên nằm dưới sự quản lý của quân Nhật.
Theo lời kể của ông Phạm Hoành – cố Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (thời kỳ 1980-1987), người từng tham gia thành lập và lãnh đạo một đơn vị thuộc chiến khu Trần Hưng Đạo thời Pháp thuộc – sau khi thua quân đồng minh của Pháp, trước khi rút khỏi tòa công sứ Quảng Yên, không đem được đôi lộc bình đi, lính Nhật đã “tặng” cho đôi lộc bình này mấy nhát kiếm.
Tuy nhiên, đôi lộc bình chỉ bị sứt hoặc vỡ mảnh nhỏ ở trên miệng. “Chúng tôi vẫn giữ nguyên trạng của đôi bình, coi những vết chém đó cũng là dấu chứng lịch sử”, giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh Trần Trọng Hà cho biết.
Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, cặp bình sứ cổ này được chuyển về Trung tâm điều dưỡng tỉnh Quảng Ninh một thời gian, trước khi chính ông Phạm Hoành chỉ đạo nhân viên đưa về nơi làm việc của chính quyền khu Hồng Quảng, được thành lập tháng 2.1955, gồm đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên. Tuy nhiên, kể từ đó, đôi bình gần như mất tăm mãi cho tới năm 2003, dù ông cũng đã để tâm đi tìm.
Bình quý ở kho chứa đồ bỏ đi.
Ông Trần Trọng Hà kể, nhóm sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Quảng Ninh lần đầu nghe tin về đôi bình sứ cổ đời nhà Thanh này có mặt ở Quảng Ninh, vào năm 1997, trong một lần đến Quảng Yên, tận mắt chứng kiến một bình sứ vẽ 100 mặt người và đôi thống tam thái đều là gốm sứ đời nhà Thanh.
Qua tìm hiểu, những người am hiểu về văn hóa, lịch sử Quảng Yên cho biết, các cổ vật này trước đây đều nằm trong tòa công sứ Pháp, tuy nhiên đôi bình sứ “Bách điểu” không biết lưu lạc nơi đâu.
Hành trình truy tìm đôi bình cổ quý hiếm này bắt đầu với những manh mối ban đầu rất mơ hồ. Ông Hà cùng các nhân viên gặp hết nhân chứng này tới cơ quan kia và được chỉ dẫn tới gặp ông Phạm Hoành, khi đó đã nghỉ hưu.
Nghe có người muốn gặp ông để tìm đôi bình cổ mà ông cũng đau đáu đi tìm, ông nhiệt thành giúp đỡ. Tuy nhiên, những thông tin mà ông cung cấp cho bảo tàng liên quan đến giá trị, vẻ đẹp của những cổ vật trên hơn là liên quan đến số phận của chúng. Ông chỉ chắc chắn một điều, đôi bình cổ đã được ông cho chuyển về Văn phòng UBND tỉnh.
Vừa nhờ lãnh đạo UBND tỉnh, vừa thông qua các mối quan hệ thân thiết, ông Hà cùng nhóm nhân viên đã lùng sục gần như hầu khắp các phòng ban trong UBND tỉnh suốt gần 6 năm trời, có lúc tưởng chừng vô vọng.
Thống kê lại các vị trí tìm kiếm, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh lắc đầu: “Chỉ còn một nơi duy nhất chưa tìm kiếm: Kho chứa đồ cũ”. Ông Hà bảo, nghe vậy nhưng cũng cứ cố tìm, chứ không hy vọng nhiều, bởi “đã tìm hết những chỗ sang trọng rồi”.
Nhưng thật bất ngờ, đến kho chứa đồ cũ, qua khe cửa, bằng con mắt nhà nghề, ông đã nhìn thấy báu vật lưu lạc suốt nửa thế kỷ qua, đang nằm trong đống đồ bỏ đi và đã bị bụi phủ mờ. Ông choáng hết cả người. Đó là thời điểm cuối tháng 12/2003. “Báu vật đây rồi”, ông Hà thầm thốt lên trong sự ngỡ ngàng.
Không ai nhớ rõ chúng nằm ở đó khi nào, chỉ biết vài ngày nữa, những báu vật đó sẽ được bán như đồ đồng nát, để sửa sang nhà kho này làm gara ôtô cho văn phòng ủy ban. Chỉ chậm vài ngày, có thể cặp bình hoặc sẽ bị đập bể hoặc lại tiếp tục hành trình thất lạc.
Ngay lập tức, ông Hà làm công văn xin UBND tỉnh cho chuyển cặp bình sứ cổ “Bách điểu” về bảo tàng tỉnh, trong sự bán tín bán nghi của rất nhiều người, rằng liệu đó có phải là cổ vật không? Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Quynh – hiện là Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương – cũng có chút hoài nghi khi đặt bút ký đồng ý giao cặp bình cổ cho bảo tàng tỉnh.
Ngày tổ chức hội nghị ra mắt và giới thiệu cặp bình sứ cổ này tại Bảo tàng Quảng Ninh có sự tham dự của rất đông quan chức địa phương và giới chuyên môn, báo chí. Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ có tiếng trong nước nghe tin cũng kéo đến. Ông Phạm Hoành khi đến thăm, nhìn thấy cặp bình đã thốt lên: “Đúng là chúng rồi, Hà ơi! Vẫn còn nguyên dấu tích vết kiếm của lính Nhật đây”.
Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh Trần Trọng Hà bảo, cặp bình “Bách điểu chầu hoàng” đã được trưng bày ở bảo tàng tỉnh từ 10 năm nay, vậy mà, lần về Quảng Yên gần đây, vẫn còn có người thách ông… đi tìm cặp bình ấy.
Thì ra, nhiều người vẫn chưa biết ông và nhóm nhân viên bảo tàng đã tìm được, nên vẫn cứ… “lãng phí” thời gian và tâm sức để tiếc nuối cặp bình đó suốt 10 năm qua.
"Nguồn sưu tầm"