Đẩy mạnh “xuất khẩu tại chỗ” mặt hàng thủ công mỹ nghệ

Hà Nội có tới 1.350 làng nghề với hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, thể hiện bàn tay khéo léo của người Việt. Đây là tiềm năng lớn để làm giàu cho người nông dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn.

      Tuy nhiên, trên thực tế việc khai thác tiềm năng này chưa thực sự hiệu quả. Trong lúc kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các làng nghề đang đối mặt với những bài toán khó về sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là lượng hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh thì việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và “xuất khẩu tại chỗ” được coi là một giải pháp “cứu” các làng nghề.

 

Đẩy mạnh “xuất khẩu tại chỗ” mặt hàng thủ công mỹ nghệ      Việc đưa vào hoạt động Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề của thành phố Hà Nội mới đây có thể coi là một bước quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, thúc đẩy tiêu thụ, đồng thời thu hút khách du lịch, hứa hẹn một cú hích cho các làng nghề Thủ đô.

 

      Ví đa phần làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng với hình ảnh như vậy, để thấy được tiềm năng của làng nghề hiện nay là rất lớn, nhưng nếu không được khai thác đúng hướng và hiệu quả thì cũng chỉ mãi “xấu xí” như nàng lọ lem ở trong xó bếp mà thôi. Hà Nội được mệnh danh đất trăm nghề với hàng ngàn làng có nghề và hàng trăm làng nghề truyền thống, không chỉ phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu mà còn là tiềm năng du lịch độc đáo.

 

      Nhiều làng nghề Hà Nội được biết đến với những sản phẩm độc đáo được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh... Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, thợ giỏi được nhiều khách hàng trong nước và thế giới yêu thích. Gốm Bát Tràng nổi tiếng với việc chế tạo ra các loại men gốm đẹp và những công đoạn tạo dáng, họa tiết trang trí độc đáo, tinh xảo. Lụa Vạn Phúc thì nổi tiếng với lụa Vân, lụa Sa, lụa Hoa, gấm, lanh...Không chỉ đem về hàng ngàn tỷ đồng từ việc xuất khẩu đi các nước trong những thời điểm đỉnh cao, các làng nghề Hà Nội còn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với những tiềm năng của mình.

 

      Tuy nhiên, việc thiếu bài bản, thiếu kiến thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng nên tồn tại nghịch lý là làng nghề thì loay hoay tìm khách, trong khi nhiều khách hàng muốn tìm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đích thực thì lại gặp khó khăn. Trong khi đó, vấn đề du lịch làng nghề dù đã được quan tâm nhưng dường như vẫn là một khái niệm mới mẻ, mơ hồ với đa số các làng nghề. Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ.

 

      Tuy nhiên, việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại ít được lưu tâm tới. Nhắc đến du lịch làng nghề ở Hà Nội, người ta vẫn chỉ nhớ được vài cái tên như gốm sứ Bát Tràng hay lụa Vạn Phúc, và các tour du lịch, nếu có cũng chỉ chọn cho mình vài địa chỉ như vậy. Lối làm ăn manh mún, chưa có chiến lược quảng bá sản phẩm, thiếu cơ sở hạ tầng, sự đơn điệu của sản phẩm và thiếu kiến thức về du lịch đã khiến các làng nghề ngày càng mất đi sự hấp dẫn đối với khách du lịch.

 

      Thời gian gần đây, khái niệm du lịch làng nghề được nhắc đến nhiều hơn, cũng có nơi được đầu tư và quảng bá, các cửa hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ trong làng nghề xuất hiện nhiều hơn, song thực tế việc đầu tư vẫn manh mún, thiếu đồng bộ, lượng du khách và lượng hàng hóa bán được cho du khách không nhiều.

 

      Điều đó cũng khó tránh khỏi, bởi thực tế thì những nghệ nhân, thợ nghề dù có bàn tay khéo léo tài hoa nhưng vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy bén với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài.

 

      Vài năm trở lại đây, kinh tế trong nước và thế giới rơi vào khủng hoảng, bởi vậy các làng nghề cũng thêm phần khó khăn. Các đơn hàng xuất khẩu ngày càng thưa thớt trong khi các yếu tố đầu vào tăng cao, nguồn vốn cạn kiệt khiến nhiều làng nghề có nguy cơ mai một.

 

      Trước thực trạng đó, thành phố đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ các làng nghề với nhiều chương trình, dự án, hoạt động thiết thực. Nhiều nông dân được học nghề, nhiều nghề được nhân cấy, nhiều làng được khôi phục nghề, các nghệ nhân được khuyến khích sáng tạo mẫu mã sản phẩm, đồng thời thành phố cũng tích cực hỗ trợ các làng nghề trong công tác quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm...

 

 Đẩy mạnh “xuất khẩu tại chỗ” mặt hàng thủ công mỹ nghệ

Các sản phẩm của nhiều làng nghề được giới thiệu tại Phòng trưng bày 176 Quang Trung, Hà Đông.

 

Nơi hội tụ tinh hoa làng nghề.

 

      Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa trở lại hoạt động phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề tại số 176 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). Đây được coi là một sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa với các làng nghề trong thành phố, bởi từ đây các làng nghề Hà Nội sẽ có một địa điểm chung để quảng bá rộng rãi đến khách hàng trong và ngoài nước. Phòng trưng bày được xây dựng năm 2010 với diện tích 306m2. Năm 2012, Phòng trưng bày đã được nâng cấp, cải tạo để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Và giữa tháng 5 vừa rồi, Phòng trưng bày đã hoàn thiện việc mở rộng và trở lại phục vụ du khách với diện tích tăng lên gấp đôi, 600m2, đồng thời nâng cấp, đồng bộ nhiều hạng mục công trình để đáp ứng việc trưng bày hàng hóa và đón tiếp khách tham quan, mua sắm.

 

      Có thể nói Phòng trưng bày là nơi hội tụ tinh hoa của những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội. Các khu trưng bày được bài trí đẹp mắt, tinh tế, hấp dẫn du khách. Các sản phẩm được trưng bày đều là những sản phẩm đặc sắc nhất của mỗi làng nghề, từ gốm sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, đồng mỹ nghệ, sơn mài, thêu ren, khảm trai, đá sừng mỹ nghệ, tranh đá quý...

 

      Nếu như trước kia mới có 7 làng nghề tham gia trưng bày tại đây thì hiện nay con số này đã lên đến 12 làng nghề với số lượng và chủng loại sản phẩm trưng bày tănggấp 3 lần. Việc bài trí, sắp xếp cũng bài bản hơn, tận dụng tối đa không gian để trưng bày sản phẩm.

 

      Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) thì cơ sở vật chất, hàng hóa trưng bày đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng tốt việc đón tiếp du khách tham quan, mua sắm. Việc hình thành và mở rộng Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề có ý nghĩa lớn, bởi đây không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề mà còn là nơi trao đổi, giao lưu ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề với khách hàng trong và ngoài nước.

 

      Đây cũng là địa điểm tham quan mua sắm cho khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, là điểm nhấn, điểm đến, giúp các đơn vị lữ hành đưa ra chương trình phát triển làng nghề gắn kết với tour du lịch, từ đây đẩy mạnh việc “xuất khẩu tại chỗ” của các làng nghề.

Lượt truy cập: 3146 - Cập nhật lần cuối: 23/06/2013 12:19:50 PM

Giỏ hàng