Một trong những phát minh quan trọng nhất của người Trung Quốc cổ đại là gốm sứ. Tuy không được xếp vào hàng vĩ đại nhất, như giấy hay thuốc súng, gốm sứ lại là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này. Gốm sứ Trung Quốc nổi tiếng vì mẫu mã đẹp và bền. Sản phẩm này rất được ưa chuộng tại châu Âu và các nước hồi giáo, dù phương Tây cũng tìm ra cách đồ gốm từ đầu thế kỷ 18.
Gốm sứ Trung Quốc bền đến mức các mảnh sứ tìm thấy từ đời nhà Hán, cách đây hơn 2.000 năm, vẫn giữ nguyên được màu sắc và độ trong vốn có. Các sản phẩm thuộc họ gốm sứ rất đa dạng, từ vật liệu xây dựng như gạch, ngói, chậu gốm nung trong lò đến các đồ dùng phức tạp trong cung đình. Sản phẩm này nổi tiếng đến nỗi từ "China" trong tiếng Anh còn có nghĩa là đồ sứ.
Đồ sứ men xanh truyền thống của Trung Quốc.
Đồ đất nung đầu tiên tại Trung Quốc được làm ra dưới thời nhà Thương (năm 1700 trước Công nguyên). Đồ sứ đầu tiên cũng xuất hiện vào thời kỳ này. Tuy nhiên, sứ chất lượng cao chỉ có từ thời Đông Hán (năm 25 - 220 trước Công nguyên), khi người dân Changnan (nay là Trấn Cảnh Đức, thuộc tỉnh Giang Tây) bắt đầu xây lò để nung đồ gốm.
Công nghệ nung sứ đạt đỉnh cao vào đời Đường (618 - 907 sau Công nguyên) và Tống (960 - 1279) khi các nghệ nhân Trấn Cảnh Đức cho thêm cao lanh và nung dưới nhiệt độ trên 1.300 độ C. Thời đó, đồ sứ Trung Quốc được coi là hàng xa xỉ và xuất khẩu sang châu Âu với số lượng lớn.
Trung Quốc có rất nhiều nơi sản xuất gốm sứ truyền thống, như Tuyền Châu (Phúc Kiến) hay Phật Sơn (Quảng Đông). Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Trấn Cảnh Đức. Trấn Cảnh Đức được coi là kinh đô gốm sứ của Trung Quốc từ thế kỷ 11 với công nghệ sản xuất vượt trội, chuyên làm đồ cho triều đình. Sứ xanh là sản phẩm nổi tiếng nhất của nơi này, được coi là một trong những mặt hàng đắt đỏ và được chào đón nhất thế giới. Giá trị của đồ sứ không phục thuộc vào nguyên liệu mà nằm ở sức sáng tạo và tâm huyết của nghệ nhân.
Sản phẩm của Trấn Cảnh Đức được mô tả là "mỏng như giấy, trắng như ngọc, sáng như gương và vang như chuông". Một trong những lý do tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho gốm sứ nơi đây chính là sự phân công lao động rất kỹ càng. Quy trình từ đất sét đến sản phẩm hoàn chỉnh phải cần tới sự tham gia của 72 người. Cũng vì vậy mà những thợ thủ công ở đây đều rất điêu luyện.
Bình hoa của Trấn Cảnh Đức giờ chuyển thành đèn gốm để phục vụ giới trẻ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, những thay đổi về chính trị và kinh tế cũng như cơ khí hóa trong sản xuất, gốm sứ làm bằng tay ngày càng mai một. Natalie Wu, một hướng dẫn viên du lịch người Trấn Cảnh Đức cho biết sản phẩm ở đây ngày càng có chất lượng thấp và thậm chí còn chẳng phải đồ trong trấn làm ra. Wu cho biết: "Thay vì làm bằng tay, tất cả giờ đều được làm bằng máy. Vì thế, chúng rẻ hơn và được sản xuất nhanh hơn. Nhưng chất lượng thì không còn tốt như xưa nữa".
Nghề gốm sứ ở đây bắt đầu thoái trào từ sau triều Thanh (1644 - 1911) và gần như chết hẳn những năm 90, khi 10 xưởng nhà nước ở đây phải đóng cửa sau cuộc cải tổ doanh nghiệp. Việc này đã khiến hàng chục nghìn thợ thủ công thất nghiệp. Một số tìm cách mở lại xưởng, nhưng rồi nhanh chóng phá sản do quy mô quá nhỏ. Vì không được thường xuyên luyện tập, phần lớn kỹ năng của họ đều bị mai một.
Những năm gần đây, bảo vệ phương thức sản xuất gốm sứ truyền thống đã trở thành mối quan tâm lớn với chính phủ Trung Quốc. Bộ Văn hóa nước này đã đưa nghệ thuật gốm sứ thủ công Trấn Cảnh Đức vào danh sách di sản văn hóa vô hình cần được ưu tiên hàng đầu. Chính quyền địa phương cũng thực hiện các dự án khôi phục lại lò nung để tăng cường sản xuất. Liu Yuanchang, một nghệ nhân gốm cho biết: "Nghệ thuật càng được bảo tồn tốt thì giá trị của ngành công nghiệp này với thương mại càng nhiều, và ngược lại".
(Nguồn sưu tầm)