Ngư dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam vừa xác định được vị trí một kho đồ cổ có niên đại khoảng một nghìn năm tuổi và cách bờ khoảng 300m. 10h sáng, leo lên chiếc ghe máy của anh Vỹ ở thôn 1 xã Tam Hải, chỉ mất 3 phút chúng tôi tiếp cận vị trí nghi có con tàu cổ chở gốm sứ bị đắm tại vùng biển Bàn Than.
Chiếc neo sắt được thả xuống. Dụng cụ lặn tìm cổ vật của anh Vỹ là những thiết bị, bình hơi hàng ngày dùng để bắt tôm, cá. Cho máy nổ rô-đa, kiểm tra bình, dây hơi, mặt nạ và chân vịt, anh Vỹ ngậm dây hơi rồi nhảy xuống nước, đạp chân vịt lặn sâu xuống đáy biển bắt đầu “hành trình” tìm kiếm cổ vật.
Cách chiếc ghe của anh Vỹ có một chiếc ghe loại nhỏ đang neo cố định, đường dây hơi của thợ lặn nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Chiếc ghe này cách bờ khoảng 250m. Bất ngờ, anh Vỹ nổi lên sau khoảng 2 phút và cầm trên tay phần đáy của chiếc bình gốm sứ loại lớn màu đỏ gạch, được tráng lớp men bóng láng.
Anh Vỹ ngậm dây hơi rồi nhảy xuống biển.
Bỏ cổ vật lên ghe, anh lặn tiếp và lại cầm lên một mảnh của chiếc đĩa màu trắng bị bể. Trèo lên uống ly nước, anh Vỹ nói: “Tại vị trí tôi vừa lặn, cách đây khoảng 10 năm, nhiều người phát hiện mảnh sứ chén, đĩa, tô bị bể dính vào lưới. Lúc đó cứ nghĩ là chén, đĩa bể do người dân trong bờ vứt xuống, lâu ngày bị sóng đánh dạt ra khơi. Cách đây khoảng một tháng, có chiếc tàu ở Quảng Ngãi ra neo đậu, dùng vòi hơi quạt cát dưới đáy biển để vớt cổ vật. Lúc đó người dân mới biết khu vực này có tàu chở cổ vật bị đắm”.
Đang nói chuyện anh Vỹ phát hiện người đàn ông tên Q. trên chiếc ghe bên cạnh giơ tay ra hiệu. Biết “đồng nghiệp” tìm được vỉa cổ vật, anh Vỹ trèo lên ghe kéo neo, chạy thẳng về phía tàu bạn. Vừa điều khiển chiếc ghe đi đúng hướng, anh Vỹ cười nói: "Hy vọng may mắn sẽ đến".
Sau đó, vẫn thao tác quen thuộc, cho máy nổ rô-đa, ngậm chặt đầu dây hơi, anh nhảy xuống biển. Sau hơn 10 phút, 2 thợ lặn nổi lên. Trên ghe anh Q. cầm nhiều mảnh chén, dĩa, bình bằng gốm sứ có nhiều màu sắc rất đẹp và 3 chiếc bình gốm sức loại nhỏ. Còn anh Vỹ cầm 5 chiếc bình còn nguyên vẹn, đặc biệt có một chiếc được tráng men xanh lục. Anh Vỹ hồ hởi: “Chiếc bình màu xanh lục này có giá cao, được nhiều người chuộng lắm, khoảng 500.000 đồng/cái”.
Sau vài phút, anh Vũ cầm lên nhiêu bình cổ vật loại nhỏ.
Trên ghe thợ lặn Vỹ có một búp hoa làm bằng đồng nguyên chất nặng 4,8 lạng, to bằng quả trứng gà. Đầu búp có những cánh hoa trong tư thế nở rất đẹp, còn ở giữa có một nụ đồng nhỏ nhô lên. Anh Vỹ cười: “Khi cầm búp hoa trên tay tôi hết hồn vì cứ tưởng là đồng đen. Về nhà thử thì chỉ là đồng nguyên chất. Có người hỏi mua giá cao nhưng tôi chưa muốn bán”.
Ngư dân Lê Văn Liệu (44 tuổi, ở thôn 1, xã Tam Hải) cho biết: “Khi phát hiện chiếc tàu ở Quảng Ngãi chạy ra tìm kiếm cổ vật nên ngư dân ở đây đuổi họ đi. Sau đó không thấy họ quay trở lại nữa, nhưng nghe đâu họ vớt được nhiều cổ vật lắm". Anh Liệu cũng lặn vớt được 5 chiếc dĩa loại trung và vài chiếc bình gốm sứ loại nhỏ, "đại gia" ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng đến mua hơn 5 triệu đồng. Theo anh Liệu, chiếc đĩa loại trung còn nguyên vẹn được mua với giá hơn 1 triệu đồng, màu sắc đẹp, lớp men tráng còn nguyên vẹn.
Theo tìm hiểu, ông Ch. là người lặn được số cổ vật nhiều nhất và bán được vài chục triệu đồng. Theo người dân, lúc đầu số cổ vật vớt lên ít nên giá rất cao, nhưng sau đó giá mua giảm xuống. Như dĩa còn nguyên vẹn giá 1 triệu đồng/cái, bình loại nhỏ còn 150.000 đồng/cái.
Chúng tôi ghé nhà anh Quốc khi anh đang đi tìm cổ vật ngoài biển, vợ anh xác ra khoảng 30 bình gốm nhỏ để “chào hàng”. Chị nói, mấy người Quảng Ngãi trả giá hơn 10 triệu đồng, nhưng chưa bán vì chưa đủ chi phí cho công lặn một tuần. Chị khoe còn một thùng phi nhựa cổ vật chén, đĩa, tô, bình gốm sứ bị bể cất sau nhà. Giá mỗi kg chén, đĩa bể được thương lái ở TP.Hội An vào mua với giá 15.000 đồng.
Theo ngư dân, các cổ vật này có niên đại lên đến nghìn năm và rất có giá trị.
Búp hoa bằng đồng mà thợ lặn Vỹ tìm được.
Những chiếc bình nhỏ còn nguyên vặn.
Sau nhà anh Quốc còn rất nhiều cổ vật bị bể.
"nguồn sưu tầm"