Những loại màu dùng trong sản xuất đồ gốm sứ

Những loại màu dùng trong sản xuất gốm sứ thì rất nhiều, căn bản lấy từ ôxít. Như ôxít đồng, cô-ban, măng-gan, sắt, v.v... Châu Âu dùng màu sẵn tinh chế đã hàng thế kỷ nay. Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn còn quen dùng các quặng dưới dạng thiên nhiên. Cũng ví như thuốc Tây y tinh chế, thuốc Đông y thì dùng thẳng nguyên liệu tự nhiên.

      Mỗi thứ đều có nhược điểm và ưu thế của nó. Ví dụ: màu tinh chế thì rất ổn định qua độ lửa, nhưng kém phần đa dạng. Dù nhiều màu đến đâu cũng cảm thấy một sự lặp đi lặp lại cố định. Màu dưới dạng tự nhiên thì đậm nhạt, sâu nông, biến hóa màu sắc bất ngờ thường xảy ra qua độ lửa, nên dù ít màu mà dễ đa dạng, dễ đẹp, nhưng cũng hay bị hư hỏng.

 

      Màu có hai loại chính: màu dưới men và màu trên men. Màu dưới men là vẽ màu lên hiện vật rồi phủ men. Khi nung ra, màu vẽ được lộ ra trên hiện vật qua lớp men trong suốt. Như sứ hoa lam lấy từ ôxy cô-ban, hầu như thuộc loại màu dưới men.

 gốm sứ màu coban

Màu coban xanh được vẽ dưới men, tạo cho sản phẩm có chiều sâu của màu sắc

 

      Màu trên men thì phong phú, đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng... nhưng không sâu bằng màu dưới men. Đồ mộc tráng men đem nung chín với độ lửa cao. Sau đó mới vẽ hoặc in màu lên, và đem nung lần thứ hai với độ lửa thấp, cốt đảm bảo màu bán chặt trên men. Cũng có loại chỉ nung một lần, với men và màu cùng nhẹ lửa. Như vậy hiện vật còn rất sống, mỗi khi vỏ men bị tróc, thì xương đất cũng bị mủn ra. Đó là loại sành xốp, cũng có thể gọi là loại "đất tráng men" vốn có từ rất xưa ở vùng Tiểu Á. Ở Việt Nam, loại "bát con gà" vùng Lái Thiêu cũng thuộc loại đó. Đây là lối làm tiết kiệm, sản xuất nhanh, hạ gần phân nửa giá thành.

      Ngoài hai loại chính trên có loại màu giữa men, tức là hiện vật được tráng men, sẽ vẽ màu, sau đó lại phun thêm một lớp men rất mỏng. Lối làm này có ưu điểm là tạo ra được nhiều màu tương đối có độ sâu, không bị kệch như màu trên men thông thường. Từ đời Minh, ở Trung Quốc còn sáng tạo màu trên men bóng như thủy tinh. Đó là loại sứ có hoa văn gần như men màu dày cộm và trong suốt chồng lên nền men trắng. Sứ Giang Tây nhiều màu trên men thuộc loại đó đã nổi tiếng khắp thị trường châu Âu. Nhìn chung, màu trên men thông thường với đồ pha-ăng-xơ vốn sở trường từ Tiểu Á và truyền sang châu Âu. Nhưng màu dưới men, màu giữa men và "màu thủy tinh" trên men với đồ sành sứ và đồ sứ, thì sở trường từ châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Lượt truy cập: 5941 - Cập nhật lần cuối: 14/10/2013 11:46:26 AM

Giỏ hàng