Sau hơn 500 năm thất truyền, nhằm khôi phục lại một dòng gốm quý, biến nơi đây thành trung tâm gốm sứ của Việt Nam, khu du lịch làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế của cả một vùng chỉ có nông nghiệp là cơ bản. Nhưng quan trọng và cao cả hơn là muốn truyền bá văn hóa Việt Nam ra với bè bạn trên thế giới. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được sự đồng ý của tỉnh Hải Dương đã thành lập Xí nghiệp gốm Chu Đậu (nay là Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng. Trong những năm đầu, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do nghề gốm bị thất truyền đã lâu, bí quyết công nghệ không còn, đội ngũ công nhân chưa có tay nghề…Xí nghiệp phải mở các lớp đào tạo, mời các nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, xương cốt, kỹ thuật sản xuất, đồng thời gửi công nhân đi học tại các làng nghề.
Sau một thời gian dài đầu tư xây dựng, đào tạo, phỏng chế gốm cổ Chu Đậu, tháng 5/2003, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Tây Ban Nha. Từ đó đến nay, mỗi năm xí nghiệp sản xuất ra hơn chục triệu sản phẩm. Các sản phẩm gốm sản xuất ra không chỉ tiêu thụ mạnh trong nội địa mà còn xuất đi trên 50 quốc gia thế giới như: Châu Âu, Nga, Đức, Hàn Quốc. Xí nghiệp đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập ngày càng được nâng cao, sản xuất liên tục đạt tốc độ tăng trưởng. Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu gốm Chu Đậu Hapro đã trở lên quen thuộc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với việc khôi phục dòng gốm cổ, Xí nghiệp gốm Chu Đậu chú trọng phát triển du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch. Xí nghiệp đã xây dựng gian trưng bày với 1.000m2 giới thiệu các sản phẩm phục chế theo các mẫu gốm cổ gồm: Bình, ang, chậu, bát... Năm 2009, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã đầu tư xây dựng giai đoạn 2 gồm các hạng mục: Không gian vườn gốm thư pháp, Đào Tổ linh từ, nhà bát giác, xưởng sản xuất số 2, kho hàng xuất khẩu. Công trình được UBND TP Hà Nội quyết định gắn biển: Công trình chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa tinh hoa văn hoá cha ông để lại, sản xuất theo dây chuyền hợp lý, với kỹ thuật phục nguyên nhiều màu sắc cổ kết hợp với những kiểu dáng men mới, hoa văn họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Hiện tại, gốm Chu Đậu chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính:
Mặt hàng phục chế theo các mẫu cổ, tâm linh: Các loại độc bình, bát hương, mâm bồng...
Mặt hàng gia dụng: Bát đĩa, ấm chén…
Mặt hàng xuất khẩu: Chậu hoa các loại…
Hai trong số hàng chục sản phẩm gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà. Ngoài ra, những sản phẩm khác như: Bình cúp Ngũ Hành, ấm rượu Rồng, hũ Hổ Phù, ông (cụ) bình vôi, cây Đèn Vua, đèn Hậu… cũng là những sản phẩm làm nên giá trị văn hóa cho thương hiệu gốm Chu Đậu.
Gốm Chu Đậu ngày nay không sản xuất đồng loạt, dùng máy mà hoàn toàn được làm thủ công bằng tay. Để tạo ra một sản phẩm gốm, sứ tạm chia làm 4 bước và quá trình này như sau:
* Nguyên liệu
Để làm lên sản phẩm gốm đạt đến độ chắc, đẹp, kết khối tốt, đất được lấy từ mỏ đất sét Trúc Thôn - Chí Linh. Đây là mỏ đất được hình thành theo phương pháp rửa trôi, được phong hóa nên có nhiều vi lượng khoáng chất, ít tạp chất và được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới. Khi đất được chọn lọc sẽ đem nghiền trong bể rã, tiếp đó qua bể lắng (tại đây người ta vớt bẩn, cặn ở trên và dưới bể đi) sau đó chuyển qua bể lọc và cuối cùng là bể ủ. Nguyên liệu cũng có thể được làm theo cách hiện đại hơn đó là cho vào những quả nghiền bi nghiền nhuyễn thành hồ. Trong quá trình làm nguyên liệu các oxit sắt (chất này làm cho sản phẩm có mầu đen) bị bay hơi và loại dần, cuối cùng hồ tinh khiết sẽ được chuyển qua bộ phận tạo hình.
* Tạo hình
Tạo hình thường dùng hai cách chuốt tay và đổ khuôn. Hiện nay, để có năng suất cao người ta thường dùng phương pháp đổ khuôn. Tuy nhiên, để có một sản phẩm mang tính nghệ thuật cao người ta thường vuốt bằng tay. Sản phẩm được dỡ từ khuôn mang ra chỉnh sửa sấy khô, mài nhẵn và chuyển qua khâu trang trí họa tiết.
* Trang trí họa tiết
Để tạo cho sản phẩm đẹp mắt và cũng là nét đặc trưng của từng lò gốm, trang trí có thể là khắc chìm, đắp nổi hay vẽ. Cách trang trí họa tiết của Chu Đậu có nét đặc trưng riêng, phản ánh trung thực đời sống, tín ngưỡng, đạo giáo, triết lý và tâm hồn người Việt. Họa tiết của gốm Chu Đậu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết bằng câu “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.
*.Nung đốt.
Sau khi trang trí họa tiết, sản phẩm được phủ men và công đoạn cuối cùng là cho vào nung đốt với nhiệt độ trung bình là 12500C (có sản phẩm nung tới 14500C). Đây là giai đoạn khá quan trọng vì tất cả các khâu đã được hoàn tất nếu có một chút sơ suất trong quá trình nung, đốt thì sản phẩm coi như bỏ đi.
Hằng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan và mua sản phẩm của xí nghiệp làm quà lưu niệm. Thương hiệu gốm Chu Đậu Hapro trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế. Xí nghiệp gốm Chu Đậu đang là điểm hấp dẫn du khách đến thăm quan, mua sắm, trở thành địa danh trong bản đồ du lịch của tỉnh Hải Dương.