Trong tàu cổ Cà Mau tìm thấy báu vật

Tàu cổ Cà Mau là con tàu được khai quật khảo cổ học năm 1998-1999. Đây là con tàu chở hàng gốm sứ xuất khẩu của Trung Quốc đang trên lộ trình từ Quảng Châu sang châu Âu.

Con dầu bằng đá

 

 

       Con dầu bằng đá tìm thấy trong tàu Cà Mau. Nó đã được giải mã vởi tác giả Paul A.Van Dyke của trường đại học Ma Cao. Theo tác giả này, ở thế kỷ 18 có khoảng 30 chiếc thuyền Trung Quốc cập cảng Đông Nam Á và mỗi năm một số thuyền đến Batavia (Jakata ngày nay). Họ tên của một số thuyền Trung Quốc được nhắc tới như Zhang, Ye, Cai, Qiu, Yan, Chen và Pan. Dấu ấn bằng đá trong tàu cổ Cà Mau được gọi là Pan Tingcai, tiếng việt là Phan Đình Thái ấn. Ông này có thể là một chủ hàng hoặc là một người giúp thuyền trưởng tàu Cà Mau

 

Báu vật gốm sứ

 

       Niên đại của tàu cổ Cà Mau là vào khoảng năm 1725. Giáo sư Christiaan J.A. Jorg, trong bài “The Ca Mau porcelain cargo” cho rằng hàng gốm sứ trong tàu Cà Mau thuộc 2 phong cách kangxi và loại mới theo phong cách Yongzheng.

 

       Trong hình là gốm sứ Trung Quốc. Đồ gốm sứ trong tàu cổ Cà Mau, chiếm số lượng lớn là đồ sứ xanh trắng. Chúng có kích thước khác nhau, đường kính miệng từ 20,5 cm - 29,2 cm, cao từ 2,6 cm - 3 cm. Những cái đĩa cùng kiểu dáng, miệng loe ngang, lòng phẳng, đế thấp và rộng.

 

Báu vật gốm sứ

 

      Cận cảnh chiếc đĩa gốm sứ. Lòng đĩa vẽ phong cảnh thành lũy, mây, sóng nước, cây thông, 3 người đội mũ, áo khoác, đi ủng cao, một người dắt thú. Viền miệng đĩa in gờ uốn vẽ sóng nước hình lưỡi câu. Thành ngoài đĩa vẽ 3 cành hoa lá.

 

      Loại đĩa này được nhiều người biết đến và trang trí của nó thường được mô tả là hậu cảnh Scheveningen, dù trong quá khứ nó được biết đến là phong cảnh Deshinia, nơi người Hà Lan đã chiếm giữ trong nửa cuối thế kỷ 17 và 18. Từ thế kỷ 18, loại đĩa này được gọi là “phong cảnh Scheveningen” trong một danh bạ bán hàng có niên đại 1778.

 

Báu vật gốm sứ

 

      Đĩa sứ Nhật Bản. Đĩa sứ Trung Hoa dựa phong cách hoa văn châu Âu theo yêu cầu đặt hàng và vì thế gọi là “hàng đặt Trung Quốc” . Theo tài liệu của nhiều chuyên gia khảo cổ, loại đĩa Nhật Bản có trang trí tương tự được sản xuất tại khu vực lò Arita cho Hà Lan vào khoảng năm 1.700. Những tiêu bản đó quen gọi là đĩa “phong cảnh Scheveningen”.

 

      Đĩa loại này dựa trên một mẫu đĩa của thị trấn Delf ở Hà Lan và được đặt bởi người Hà Lan tại Deshima để sản xuất trên diện rộng. Môtíp hoa văn trên đĩa này khá phổ biến trên các loại cốc, đĩa để đồ ăn và vật dụng đồ bếp khác. Hầu hết những loại hình này có niên đại vào khoảng 1/4 đầu thế kỷ 18 mà không còn thấy một mẫu mã nào sau năm 1730.

 

Báu vật gốm sứ

 

      Loại đĩa sứ hoa lam trong tàu cổ Cà Mau. Đường kính miệng 29,5cm và 37cm, trong lòng vẽ 2 cành hoa lá, xung quanh bổ ô, bên trong vẽ hoa lá cùng biểu tượng của đồ vật quý, cũng là những kiểu loại đồ sứ xanh trắng truyền thống của Nhật Bản sản xuất theo yêu cầu của người Hà Lan.

 

Báu vật gốm sứ

 

      Bình sứ Trung Quốc. Trong tàu cổ Cà Mau còn có loại bình có quai, miệng đứng, cổ hình trụ, thân dưới phình, đáy lõm, quai hình khuyên, đường kính miệng 8,5cm, chiều cao từ 20 đến 20,5cm.. Trang trí trên loại bình này là phong cảnh nhân vật theo tích cổ Trung Hoa hay hoa lá.

Báu vật gốm sứ

 

 

      Ngoài ra còn có loại bình có quai, dáng quả đu đủ, đường kính miệng 4,2cm, chiều cao 15,7cm. Trang trí trên bình loại này vẽ phong cảnh sơn thuỷ lâu đài.

 

Báu vật gốm sứ

 

 

      Bình sứ Anh (bên trái) và bình sứ Nhật Bản 9 bên phải). Các chuyên gia khảo cổ so sánh loại bình và nhận thấy sự tương đồng gần gũi giữa bình có quai Cà Mau, niên đại 1725 với loại bình có quai Imari ware Nhật Bản, thế kỷ 17 và Bristol ware của Anh, thế kỷ 18.

 

Báu vật gốm sứ

 

      Bình sứ Trung Quốc. Trong quá trình tìm hiểu về gốm sứ ở tàu cổ Cà Mau, các nhà khảo cổ cho rằng, dù số lượng hàng hoá gốm sứ trên tàu cổ Cà Mau là rất lớn, trong đó một số chủng loại mang phong cách thị hiếu châu Âu, nhưng không đồng nghĩa rằng toàn bộ số hàng hoá này hướng tới Batavia hay đáp ứng cho khách hàng phương Tây.

 

      Trường hợp này cũng tương tự như hàng hoá trong tàu cổ Hòn Cau, xảy ra trước tàu Cà Mau mấy chục năm trước, có khả năng là chuyến hàng đi tới Batavia đề bán cho khách hàng trung gian. Vì ngoài những chủng loại hàng sản xuất từ khu vực lò Cảnh Đức Trấn hàng gốm sứ tàu cổ Cà Mau còn được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau. Do vậy, theo các nhà khảo cổ, hàng hoá này có thể dành cho thị trường Đông Nam Á.

 

      Tình trạng đặc biệt phong phú các chủng loại chén và đĩa dùng cho uống trà, cà phê xuất hiện trong khối lượng hàng hoá gốm sứ tàu Cà Mau cũng là một dẫn chứng cho thấy hàng Trung Quốc xuất khẩu rất mạnh vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

 

      Các cổ vật trên hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, và được giới thiệu trong một hội thảo ba ngày qua tại Hà Nội về khảo cổ học. Trong hai năm tới, nhiều báu vật khảo cổ của Việt Nam sẽ lên đường sang Đức triển lãm.

Lượt truy cập: 5235 - Cập nhật lần cuối: 29/07/2013 12:09:59 PM

Giỏ hàng