Từ triều đình Trung Hoa.
Theo Khảo cứu đồ sứ Trung Hoa của cụ Vương Hồng Sển cho rằng : Thời xưa, con rồng được tưởng tượng ra từ hình con cá sấu. Rồng thời Khang Hy, mặt chằm vằm trông rất dữ dằn. Có lẽ từ thời nhà Thanh và triều đình Huế bắt chước mới phân giai cấp nha trảo, móng chân, rồng, lân tùy theo thứ bực mà vẽ : ba móng là rồng trên áo quan chức nhỏ hay trên đồ gốm dân dụng, bốn móng dành cho quan khá to (quan dụng), rồng năm móng (long ngũ trảo) thường để thêu trên long bào , long niệm, tượng trưng cho uy lực của nhà vua theo như câu tục ví von “con cá hóa long, con rồng năm móng”.
Đĩa Rồng mặt quỷ chính diện, thời Khang Hy.
Trước khi tìm ra Rồng thì Trung Hoa mượn chim Phượng Hoàng tượng cho cho quyền lực của nhà vua. Sau khi biết tích rồng, chim Phụng xuống một bực và trở nên biểu hiệu của Hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ.
Kỳ lân tượng trưng cho người hữu tài và cũng tượng trưng cho Đông cung Thái tử- người sẽ nối ngôi rồng cai trị thiên hạ.
Biểu tượng kỳ lân trên lò gốm xông hương thời Tuyên Đức nhà Minh.
Linh quy tượng trưng cho vị quân sư tài giỏi, vì hình thù kiên cố nên quy tượng trưng cho sự bền vững và thế gian thường bắt “trong đình đội hạc, ngoài đình đội bia.”
Nhưng một nhà sưu tầm đồ cổ lại cho rằng : Thời xưa, Triều đình có phân lọai và quy định về cấp bậc của các cung và quan lại theo các biểu tượng sau : Rồng năm móng, mặt rồng chính diện hay màu vàng huỳnh thổ tượng trưng cho nhà vua, Rồng bốn móng dùng cho các cung : hoàng hậu, quý phi, hoàng tử, công chúa; Sư tử dùng cho hàng quan nhất phẩm: Lân dùng cho hàng quan nhị phẩm và tam phẩm: Hổ dùng cho hàng quan tứ phẩm và ngũ phẩm: Ngựa dành cho hàng lục phẩm trở lên.
Cho đến triều đình Việt Nam.
Do điều kiện địa lý nước ta không được thiên nhiên ưu đãi ban cho những mỏ Kaolin tốt như ở Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến. Vì thế, mọi người đua nhau đặt làm các mẫu gốm sứ ở Trung Hoa đem về nước sử dụng, tùy tiện đặt vẽ những biểu tượng của vua và hoàng tộc, không phân biệt kẻ trên người dưới.
Theo sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) cho biết : “vào các đời Vĩnh Thọ (1658-1662), Bảo Thái (1720-1729) sau trung hưng …thì vua Lê ban chỉ dụ những quy định cụ thể dành cho các bậc quan lại như sau : “Tả hữu thị lang, Phó Đô Ngự Sử dùng hàng sứ Tàu bịt thau, cấm vẽ Rồng, Lân, Phượng lên gốm sứ. Lệnh truyền đó không phải là cấm đoán các người thợ gốm bên Tàu vẽ mà cấm các quan lại các cấp bậc kể trên không được đặt hàng gia công để vẽ Rồng, Lân Phượng vốn là biểu tượng của các bậc đế vương. Còn các quan lại cấp bậc cao hơn có thể đặt bịt bằng kim loại quý giá hơn bạc.