Có nhiều cách vẽ trên đồ gốm sứ, trên thai (trên sành chưa tráng men) chạm, chạm lộng và khắc cẩn; in nổi và in hình; chạm nổi; chạm lộng hay chạm lủng thấu từ bên này qua bên kia…
Chạm và khắc cẩn
Vào thời đại thạch khí, người Trung Hoa đã biết chế tạo ra loại gốm đen trên men có hình chạm khắc cẩn thật sâu, ăn khuyết vào thai và lớp trong của bình. Theo bà Daisy Lion-Goldchmidt cho rằng : để tạo ra các lằn chạm này là do dùng đục bằng tre vót bén vì thưở ấy chưa có dao thép để đục sắt .
Ám hoa
Người Trung Hoa rất có hoa tay và họ chạm tách trên đồ sành kiểu ám hoa tế nhị, chỗ sâu chỗ cạn khéo đến nỗi nếu vô ý sẽ không thấy lằn chạm, chỉ khi nào đổ nước trà đậm hay rượu vào, màu hoa chạm mới lộ ra. Cách làm : họ phơi bình khô rồi đem vô lấy vật bén tách tỉa hoa lá, xong rồi lấy men phủ ngoài. Men sẽ chun vào các kẽ chạm và san bằng các hóc hiểm , nếu không để ý tưởng bình liền.
Đồ Pháp Lang
Cách này khác hẳn loại khảm kim khí, có nghĩa người thợ sẽ dọn trên da sành những ô nho nhỏ hình chiếc lá chiếc hoa. Xung quang hoa, lá được viền bằng kim khí (vàng, đồng hay bạc) rồi thoa men thật dày xong rồi cho vào hầm lò. Khi món đồ lấy ra để nguội thì đánh bóng lại cho bằng phẳng. Khi ấy hoa lá sẽ lộ ra màu xanh đỏ theo ý muốn và có viền kim khí rất đẹp. Nghệ thuật này người Hòa Lan đem sang Tàu nên gọi là Phát Lam (còn có tên Pháp lang, Phật lang, Phất lang)
Lư Pháp Ti Pháp Lang thời nhà Nguyên
Do quy trình phức tạp, màu sắc men rực rỡ, đồ vật mịn màng quý giá nên chủ yếu cho hoàng gia ở trong cung. Một số ít là đồ ngự tứ quý báu để hoàng đế ban cho các vương công đại thần, ít lưu truyền trong dân gian nên hiếm khi được thấy.
In nổi và in hình
Từ đời nhà Thương, Châu đã biết in hình nổi trên đồ đất nung, in dấu sọc rổ thúng, vết chiếu, vết dây, vết vải thô. Đến đời nhà Châu, biết dùng khí cụ bằng xương thú hay bằng đá thạch bản để khắc xen kẽ với dấu in. Muốn in hình lên đồ đất nung người ta dùng con dấu khắc sẵn để in lúc thai còn mềm hoặc dùng vật tròn lăn trên da đất in dấu lại giống hệt nhau (Ngày nay ta gọi cách này là in bằng rập, bằng khuôn).
Đời Tống, dùng phương pháp này để in hình nổi trên đồ Celadon. Muốn có hình kiếng sen nổi, nhứt là muốn kiếng thêm cao, người thợ phải dùng một cái đục bằng kim khí, đục rồi còn giồi giũa cho trơn bén bằng một dụng cụ giống cái bào của thợ mộc, xong rồi mới áo nước men và cho vào lò hầm.
Đồ chạm nổi
Muốn có hình chạm nổi thật cao, người thợ đắp hình nắn sẵn lên mặt lộc bình rồi gắn hàn cho kín miệng chỗ đắp lại. Có khi họ không đắp hình mà lấy mũi ve chạm luôn vào món đồ, vào thai còn mềm trước khi cho vào lò hầm. Đó là kiểu hồi văn nổi, chạy vòng theo bình các đời Thương, Châu, Hán. Xuống đến đời Minh, phương pháp này được dùng để làm những vật như quai, vòi, núm trên nắp để cầm, chân bình. Các vật này được đắp vào ngay ngắn rồi người thợ sẽ cầm cái bình mà nhúng trọn vào nước men pha sệt sệt. Người Pháp gọi là barbotine, để áo lớp ngoài vừa che chỗ hở hoặc chỗ nào chưa khít vì nếu không kỹ thì bình sẽ rịn nước sau này.
Bình rượu chạm nổi thời nhà Nguyên
Các kiểu hình mặt nạ, khoen tai trên bình đời Hán, Đường đều có khuôn in trước khi vào khuôn rập, rồi lấy ra phơi, khi khô mới đắp lên hông bình.
Chạm lộng hay chạm lủng thấu từ bên này qua bên kia
Từ đời Minh cho tới đời Càn Long thích kiểu chạm lủng thấu qua bên kia. Nhưng sau đời Càn Long các thợ không làm kiểu này nữa vì đồ sánh chạm lộng khi vào lò hay bị móp méo và hư hao nhiều lắm, phải thật khéo tay như các đời trước mới dám làm kiểu chạm lộng này.
Lối vẽ bằng màu trên sành
Những thợ gốm Trung Hoa từ thế kỷ XIV đã tìm ra bí quyết vẽ bằng màu trên sành. Khi thai phơi vừa khô se se, người thợ sẽ đem vào trại vẽ màu lên trên, rồi cho vào lò, sau khi đã áo một lớp men da sành. Những phương pháp khác có từ trước đều bỏ hoặc bớt dùng để nhường chỗ cho phương pháp này.
Muốn vẽ trên lớp da sành (couverte), phải dùng men nhiều thứ và loại sành này đã hầm chín một lần nhứt rồi đem ra vẽ và sau đó hầm lại lần nhì trong cái bọc bằng đất gọi hầm au feu de moufle. Men nhiều thứ cho phép sử dụng đủ kiểu đủ cách, không lang bậy và nhờ một nước men bóng bọc thêm bên ngoài như chiếc áo nên không sợ trầy trụa tróc men. Sau khi khi hầm xong, màu sắc biến hóa muôn hồng ngàn tía vô cùng xinh đẹp.
(nguồn sưu tập)