Các lò gốm cống vị đất Thăng Long xưa

     Năm 1010, vua Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Từ đó, kinh đô của nước Đại Việt đã phát triển rất hưng thịnh và sầm uất trong nhiều thế kỷ, dưới các triều đại Lý, Trần, Lê.

 

     Sự phồn thịnh của kinh đô này đã thu hút và khích lệ các ngành nghề thủ công ra đời và phát triển, trong đó có nghề gốm. Khu vực Đại La (nay thuộc Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), phía Tây thành Thăng Long là nơi có những lò gốm hoạt động từ thời Lý đến thời Hậu Trần. Tại Bảo tàng Lịch sử VN hiện đang lưu giữ và trưng bày một số hiện vật gốm sưu tập được từ khu vực này, với tên gọi “gốm Cống Vị”.

Nắp hộp men xanh thời Lý (Ảnh minh họa)


     Sưu tập này khá phong phú, phần nhiều là bát, đĩa thuộc gốm men đơn sắc: xanh ngọc, nâu đen và trắng ngà, có hoa văn trang trí in khuôn trong hay khắc chìm dưới men, trong số đó có khá nhiều chồng bát dính men. Bên cạnh đó, còn có một số bình, âu gốm men ngọc và một số mảnh thạp gốm hoa nâu. Loại hình và hoa văn trang trí của những đồ gốm này chủ yếu mang những nét đặc trưng của gốm Lý - Trần.

 

     Mấy năm gần đây, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành ngay trong khu vực kinh thành xưa như Hậu Lâu, Đoan Môn, Bắc Môn. Khu vực Khải Thánh (Văn Miếu) ở gần đó cũng có một cuộc đào vào tháng 4-1999.

 

     Đáng lưu ý là tại các địa điểm trên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số chồng bát dính men và các mảnh bao nung gốm được xác định có niên đại Trần, thế kỷ XIV. Trước đó, vào năm 1983, khi đào hồ Ngọc Khánh, người ta cũng tìm được nhiều chồng bát, đĩa gốm dính men có dùng con kê cùng rất nhiều mảnh bao nung gốm.

Các hiện vật khai quật ở hoàng thành Thăng long (Ảnh minh họa)


     Có ý kiến cho rằng đây là phế thải của một lò gốm nào đó gần khu vực này. Như vậy, ngoài Đại La, những dấu hiệu sản xuất gốm còn được phát hiện khá nhiều ở cả bên trong khu vực Hoàng thành. TS. Bùi Minh Trí (Viện Khảo cổ học) nhận xét: “Điều này chứng tỏ Thăng Long xưa đã từng có rất nhiều lò gốm hoạt động và rất có thể có những “lò quan” nằm trong Hoàng Thành.

 

     Theo sử cũ, dưới các thời Lý - Trần, trong kinh thành đã từng có các quan xưởng gọi là “Cục Bách tác”, chuyên chế tạo binh khí, đồ trang sức, đúc tiền... cho triều đình. Làm trong các quan xưởng này đều là thợ khéo lấy trong dân gian.

 

     Xung quanh Thăng Long lúc đó cũng có các làng, các phường thủ công chuyên nghiệp hoạt động sầm uất. Những đồ gốm sứ trắng cao cấp, bên trong in nổi hình rồng và chữ Quan cùng với những đồ gốm hoa lam chất lượng cao đào được ở Hậu Lâu có thể là những manh mối ban đầu cho việc tìm hiểu về lò quan ở các thế kỷ XIV và XV trong khu vực này”.

 

     Những nghi ngờ, phỏng đoán của các nhà khảo cổ đã được làm sáng tỏ vào năm 2003-2004, sau hơn một năm khai quật và nghiên cứu trên 19.000m2 di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Một tiểu ban nghiên cứu đồ gốm sứ di tích Hoàng thành Thăng Long gồm 14 thành viên được thành lập do TS. Bùi Minh Trí, chuyên gia nghiên cứu gốm cổ Việt Nam làm trưởng tiểu ban và TS. Nguyễn Đình Chiến, chuyên gia nghiên cứu gốm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam làm phó tiểu ban.

 

 

     Họ không giấu nổi niềm vui và tự hào khi đưa ra kết luận: “Bên cạnh những đồ gốm sứ được sản xuất tại các lò vùng ngoại vi Thăng Long, ở đây còn phát hiện được nhiều đồ gốm sứ cao cấp do lò Thăng Long sản xuất, trong đó có những đồ ngự dụng".

 

     Điều này cho thấy ở Thăng Long có những lò quan (quan diêu) hay những ngự xưởng chuyên chế tạo đồ gốm ngự dụng phục vụ cung đình. Dựa vào niên đại đồ gốm, thì những ngự xưởng - lò quan này có lịch sử hoạt động kéo dài suốt từ thời Lý đến thời Lê”.

 

     Có thể nói không quá rằng những sưu tập gốm thời Lý phát hiện được tại di tích Hoàng thành đã thực sự đem lại nhiều nhận thức mới mẻ, nếu không nói là có tính đột phá về gốm thời Lý từ trước tới nay. Trước đây khi chưa có những bằng chứng này, nhiều học giả nước ngoài vẫn nghĩ rằng: ngoài gốm hoa nâu thì các loại gốm khác của thời Lý chủ yếu được du nhập từ Trung Quốc.

 

     Họ không tin thời Lý đã có thể sản xuất được những loại gốm men trắng và men ngọc đẹp và tinh xảo như gốm thời Tống của Trung Quốc. Nhiều sưu tập gốm Việt Nam thời Lý do người Pháp đào được tại Thăng Long vào những năm đầu thế kỷ XX từng được gọi là gốm Tống với hàm nghĩa đó là đồ gốm của Trung Quốc thời Tống.

 

     Một số học giả Việt Nam cũng từng đưa ra quan điểm tương tự. Họ cho rằng ở Việt Nam chưa có loại gốm trắng nào có thể so sánh với gốm trắng Trung Quốc được sản xuất ở lò Định tỉnh Hà Bắc (gốm Bạch Định). Những quan điểm đó giờ đây có thể loại bỏ bởi những chứng cứ mới đầy sức thuyết phục được tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long.

 

     Tại nhiều vị trí, các nhà khảo cổ đã tìm thấy đồ gốm sứ cao cấp men trắng, men xanh lục, men ngọc, men nâu và men vàng thời Lý mà chất lượng của nó không thua kém đồ gốm Tống - Trung Quốc.

 

Gốm sứ thời Lý (Ảnh minh họa)

     Trong đó, có nhiều sản phẩm chất lượng rất cao, hoa văn tinh xảo, mang tính vương quyền được suy đoán là những đồ ngự dụng. Trong cuộc hội thảo chuyên gia quốc tế tư vấn về di chỉ khảo cổ Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long được tổ chức tại Hà Nội 2 ngày 10, 11-8-2004, các chuyên gia Nhật Bản, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha cùng có chung kết luận: “Trên cơ sở những di vật được tìm thấy ở khu khai quật, chúng tôi đoán rằng quần thể kiến trúc trong hố khai quật này là kiến trúc phục vụ cho sinh hoạt hoàng cung chứ không phải phục vụ cho nghi lễ.

 

     Các đồ gốm sứ và gốm kiến trúc đều có chất lượng cao và chứng minh được rằng người sử dụng chúng nằm trong tầng lớp xã hội cao và chắc chắn di tích nằm ở khu trung tâm của Hoàng thành”. Nhóm đồ gốm men trắng Lý có rất nhiều loại, gồm bát, đĩa, đài sen, hộp có nắp, đĩa đèn, mô hình tháp...

 

     Men của những đồ gốm này có độ trắng mịn và óng mượt như gốm Tống và phần nhiều về chất lượng đã đạt tới trình độ sứ như sứ Tống. Sự khác nhau giữa gốm trắng Tống và gốm trắng Lý chủ yếu được nhìn nhận qua sắc độ đậm nhạt của màu men hay xương gốm và kỹ thuật chế tác.

 

Gốm sứ thời Lý (Ảnh minh họa)

     Ta có thể nhận biết gốm trắng Lý qua đồ án trang trí hình rồng và hoa lá rất thuần Việt mà phong cách của nó giống hệt như những hình chạm khắc trên đá trong kiến trúc chùa, tháp thời Lý (tháp Chương Sơn, chùa Phật Tích). Mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí hình rồng và mảnh bệ tháp sứ trang trí hình tiên nữ là minh chứng sinh động cho thấy trình độ phát triển rất cao của công nghệ sản xuất đồ sứ trắng thời Lý.

Rồng thời Lý (Ảnh minh họa)


     TS. Bùi Minh Trí còn cho biết thêm: “Bằng chứng thuyết phục khác là trong số đồ sứ trắng Lý tìm được trong Hoàng thành có những loại bát, đĩa, nắp hộp, đài sen...bị méo hoặc cháy do quá lửa cho thấy nó được sản xuất tại chỗ. Suy đoán này được khẳng định rõ khi tại các hố ở khu D đã phát hiện được hàng nghìn mảnh bao nung gốm cùng nhiều loại con kê, dụng cụ thử men, đặc biệt là những đồ gốm lớn bị sống men, như chiếc đĩa lớn có đường kính miệng 39,5cm ở hố D5, cho thấy khả năng có những lò sản xuất gốm thời Lý ở đâu đó quanh khu vực này”.

 

     Những bằng chứng khác về gốm thời Lý ở kinh thành Thăng Long cũng đã được phát hiện tại các địa điểm ở xung quanh khu vực khai quật như Quần Ngựa, Vạn Phúc, Ngọc Hà, Kim Mã, Trần Phú, Đoan Môn...

 

     Trong chuyên khảo về “Đồ gốm thời Lý - Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN”, TS. Nguyễn Đình Chiến đã đưa ra so sánh rất hay rằng: “Đồ gốm thời Lý - Trần tìm thấy trong khu vực thành Thăng Long có nhiều loại mới chỉ thấy xuất hiện ở Thăng Long, không chỉ đạt được tính thẩm mỹ cao mà còn khẳng định một tinh thần phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần minh chứng tính đặc thù chuyên biệt của loại đồ gốm men dùng cho cung đình”.

Gốm sứ thời Lý - Trần (Ảnh minh họa)

     Những đồ gốm phát hiện lẻ tẻ trong các khu vực thành Thăng Long “không có độ tập trung và không có những tiêu bản gốm men thuộc loại “cao cấp” như các loại được phát hiện trong khu khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long hiện nay”.

 

     Như vậy rõ ràng, những bằng chứng mới phát hiện về gốm men trắng thời Lý tại khu di tích Hoàng thành đã mở ra một chương mới cho việc nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam. Những bằng chứng này đã khơi gợi về một quá khứ phát triển rực rỡ của gốm Việt Nam thời Lý và mở ra bức màn bí mật về việc sản xuất đồ sứ tại các lò gốm quan Thăng Long trong dòng chảy lịch sử của gốm cổ Việt Nam.

Lượt truy cập: 4531 - Cập nhật lần cuối: 04/11/2011 14:56:40 PM

Giỏ hàng