"Vua gốm sứ' là biệt danh mà giới sưu tầm cổ vật đặt cho ông Đinh Công Tường (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP HCM). Gần 24 năm qua, ông vừa làm việc vừa đi khắp các vùng quê Việt Nam để tìm mua các loại gốm, sứ cổ. Đến nay, gia tài của người đàn ông 48 tuổi có số lượng vượt quá con số 100.000 cổ vật gồm chén, bát, đĩa, lộc bình, ấm nước... Tất cả được trưng bày trong các căn phòng của khu đất rộng 2.000 m2.
Ông Tường trở thành một trong những người sở hữu nhiều đồ gốm sứ cổ nhất Việt Nam. Năm 2014, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Bộ sưu tập Lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất với hơn 5.000 chiếc.
Quê nội ở Bến Tre nhưng sinh ra ở Hà Nội, năm 8 tuổi, ông theo bố mẹ vào Sài Gòn lập nghiệp. Cuộc sống gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ, "đại gia" đồ cổ đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.
Những ngày tháng lăn lộn khắp nơi để kiếm tiền, ông có dịp tiếp xúc với nhiều người trong giới chơi cây cảnh và sưu tầm cổ vật gốm, sứ. Từ khi bước vào nghề trồng và buôn bán cây cảnh, ông Tường còn buôn bán cả dây cáp, cuộc sống khá giả lên rất nhiều. Lúc này, ông ngược xuôi khắp các vùng miền vừa đi làm từ thiện, vừa sưu tầm những món đồ gốm, sứ cổ để thoả mãn đam mê.
Nói về kỷ niệm ngày đầu dấn thân vào nghiệp sưu tầm đồ cổ, nhà sưu tầm chia sẻ, năm 24 tuổi, trong một lần về Hà Nội ăn giỗ bà ngoại, anh được người cô tặng cho cái đĩa và một cái bát cổ để làm kỷ niệm. "Hàng ngày đem ra ngắm nghía, sự đam mê sưu tầm đồ cổ xuất phát từ đó”, ông nói.
Hàng chục nghìn đồ vật của "vua gốm sứ" đều thuộc hàng độc, lạ khi xuất xứ từ Trung Hoa, Pháp, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Hồng Kông… Niên đại của các món đồ từ thế kỷ 12 đến 20. Có những thứ ông mua về giá hàng trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng. Trong kho gốm sứ của ông có những hiện vật vô giá như bát Minh phố thế kỷ 14-15, an ngủ sắc, bình bát huệ tôn, tô triều đình Huế, bình vuông, cặp bình “độc nhất vô nhị” hình thoi với nước men trắng xanh cực hiếm, lu gốm, cặp ngựa gốm Biên Hòa…
Trong bộ sưu tập này, đồ gốm lộc bình có số lượng lớn nhất với đủ loại, kích cỡ, có nhiều niên đại khác nhau của các lò gốm trong và ngoài nước. Trong ảnh: Cặp lộc bình cao 1,8 m mua lại từ quà tặng độc nhất (sản xuất tại lò gốm sứ Biên Hoà, Đồng Nai).
Ngoài ra, ông Tường còn có đầy đủ bộ gốm sứ của ba miền Bắc, Trung, Nam của các nền văn hóa Việt cổ như gốm Óc Eo, Đông Sơn, Chăm, Bát Tràng hay gốm Biên Hòa thế kỷ 18 - 19, gốm Cây Mai ở quận 5 Sài Gòn xưa, Lái Thiêu Bình Dương… Trong ảnh: Bộ sưu tập bình đựng nước của các lò gốm sứ cổ Việt Nam.
Hàng trăm chiếc bát cổ thời nhà Thanh (Trung Quốc).
Rất nhiều bát dùng trong sinh hoạt của gia đình Việt thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 được thu gom hơn 20 năm qua.
Hàng nghìn chiếc đĩa cổ với những nước men, hoa văn đặc trưng có xuất xứ từ trong, ngoài nước với nhiều niên đại, có giá trị khác nhau.
Hai cặp ngựa gốm sứ Biên Hoà thế kỷ 18 được rất có giá trị và hiếm.
Chiếc lu bằng gốm cổ mà "vua đồ cổ" Sài Gòn khẳng định không có cái thứ 2 do người dân khai mương ở huyện Tân Trụ, Long An đào được. "Đây là hiện vật của dòng gốm Biên Hoà trong những ngày đầu khai sinh, rất quý hiếm. Lúc mua về chỉ có 70 triệu đồng nhưng nó là vô giá đối với tôi", ông Tường cho biết.
Chiếc đĩa lớn có hoa văn cực kỳ tinh xảo, màu sắc đẹp mắt được sử dụng dưới thời phong kiến Việt Nam thế kỷ 19.
Đồ gốm của văn hoá Óc Eo dùng trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày.
Ông Tường cho biết, là người sưu tầm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn không ít lần bị lừa bởi những đồ giả cổ được làm cực kỳ công phu. Người bán cố tình giao dịch vào buổi tối. Nhưng với ông, đó là những trải nghiệm đáng giá. "Mua thì mất nhiều tiền nhưng khi trưng bày thì giá trị của nó không thể tính bằng tiền, tôi không bán bất cứ món nào", ông khẳng định.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã thẩm định số lượng đĩa cổ với hơn 5.000 chiếc của anh và ngày 29/8 tới sẽ xác lập kỷ lục Bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam. Ước mơ của nhà sưu tầm là xây dựng một bảo tàng tư nhân trưng bày gốm, sứ cổ để cho mọi người đam mê cổ vật, nhất là giới trẻ sau này có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu và nghiên cứu. Dự định trong năm tới, "vua gốm sứ cổ Việt Nam" sẽ thực hiện mong muốn này ngay trên mảnh đất rộng 2.000 m2 của mình.
Nguồn Zing.vn