Đồ gốm sứ cổ của nhà sưu tầm Hồ Tấn Phan

      Ở Huế có một người mà  bấy lâu nay được ca tụng  là “người đọc sử dưới đáy  sông; người chịu khó nói điều khó chịu...” nhưng với tôi, ông là người gõ mẻ sành kham nhẫn nhất xứ Huế. Ông là nhà sưu tầm nghiên cứu đồ gốm sứ Hồ Tấn Phan.

     Nhân duyên để ông đến với “đồ cổ” cũng chính là nghiệp của một đời người lầm lũi với những con sông. Cách đây hơn 30 năm, tình cờ vợ ông đi đỡ đẻ cho một dân vạn đò trên sông Hương rồi mang về cho ông mấy cái hũ sành được vớt lên từ đáy sông. Cầm mấy cái hũ, trong đầu ông chợt lóe lên một suy nghĩ, nằm dưới đáy các con sông ở Huế là cả một kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc. Rồi nặng lòng với ý tưởng muốn tập thành một bộ sưu tập đồ gốm sứ, ông len lỏi theo các con sông từ phố phường đến làng quê để tìm tòi những mảnh sành, bình vôi, lu, hũ, chén, bát, nồi, niêu thuộc nhiều chủng loại gốm đất nung, gốm men lam, gốm sành sứ đem về chất đầy nhà, đầy nương.

 

Ông Hồ Tấn Phan say sưa thuyết minh về văn hóa đồ gốm

 

     Nhà ông bây giờ toàn là đồ gốm: gốm treo trên các song cửa sổ; gốm lăn lóc trên các ô-văng và ban công; gốm chưng trong các tủ kính, để trên những kệ sách; gốm đặt trên đầu nằm, dưới gầm giường, trên bàn, dưới ghế... tất tần tật, hễ chỗ nào trống là ông “nhét” đồ gốm vào.

 

     Ngoài vườn, đồ gốm được ông chất thành gò, xây thành đụn và bảo quản bằng lưới... B40. Bởi hơn ai hết, ông là người hiểu rất rõ tầm vóc quan trọng của chúng là kho tàng văn hóa của dân tộc. Theo ông, đồ gốm liên tục hiện diện trong đời sống văn minh văn hóa của nhân loại từ xưa đến nay. Đồ gốm đã hiện diện và tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển nhân loại để trở thành những trang sử chứng minh và giải mã các thông điệp của nền văn hóa mà nó sinh ra.

 

     Trong từng đụn đồ gốm mà ông có được như bình vôi, bình trà, lu, hũ, chén, bát, nồi, niêu... đều là gốm sứ đất nung thuộc dòng gốm sứ dân gian mang nội dung gắn liền với nhiều sinh hoạt cộng đồng, làng xã. Tùy từng kiểu dáng cũng như mục đích sử dụng, những đồ gốm dân gian có nhiều sự gắn bó với từng giai đoạn của con người từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Các chủng loại gốm mà ông có được đều có mặt trong các hình thái sinh hoạt quan-hôn-tang-tế của tiền nhân. Và trong hàng ngàn cổ vật gốm sứ mà ông đang sở hữu, nó bao hàm cả 3 giai đoạn phát triển của vùng đất từ sơ sử Huế đến Chăm-pa và Đại Việt.

 

     Ông nhận định rằng: Tất cả các dòng gốm đất nung từ tiền sơ sử  Huế đến gốm Chăm-Sa Huỳnh và gốm Đại Việt-Chu Đậu, Đồng Dương... đều có ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Phật giáo. Bởi nhà chùa và dân gian có cuộc sống rất gần gũi với nhau, nhà chùa lại là chuẩn mực văn hóa để dân gian hướng đến nên những đồ dùng của dân gian thường được đem cúng vào chùa. Ông cho biết, mỗi khi ngắm nhìn những chiếc bình vôi, bình trà hay những chiếc cơi đựng trầu, những om, niêu, đèn dầu, bình hoa, quả bồng có hoa văn họa tiết hình hoa sen, chữ Vạn... ông đều hình dung ra những nét sinh hoạt thường nhật vô cùng giản dị và gần gũi của các nhà sư trong cảnh nhà tranh vách đất của dân gian.

 

 

     Những đồ gốm sứ từ thời sơ sử Huế, Chăm-pa và Đại Việt mà ông sưu tầm được đều chứa nhiều nội hàm văn hóa Phật giáo. Hơn nữa, Huế là một trung tâm văn hóa Phật giáo nên đã có ảnh hưởng rất lớn vào trong dòng gốm sứ dân gian này. Trên những đồ gốm sứ thờ tự như đèn, lư hương, chuông, mõ, bình bông, quả bồng, phù điêu, tượng... mà ông có đều mang đậm nét dấu ấn văn hóa Phật giáo.

 

Những chiếc lu trang trí trước ngõ

 

     Đứng trước hàng núi đồ gốm sứ cổ trong nhà ông, chúng tôi hình dung ra một xã hội quá khứ của ông cha từ ngàn năm trước với những người đang ngồi ăn cau trầu, người thì ngồi uống nước trà trên những chiếc giường tre, người thì ngồi đun những cọng rơm cho cái nồi cơm bằng đất nung đang nghi ngút khói, người thì đang làm tương, muối dưa trong những chiếc lu, hũ sành sứ đất nung; trên bàn thờ, những quả bồng, chân đèn, lư hương, chuông, mõ, tượng đều được làm bằng gốm đất nung thật ấm cúng... dường như đang diễn ra trước mắt mình.

 

 

Chuông mõ chân đèn.

Lượt truy cập: 7058 - Cập nhật lần cuối: 06/02/2012 14:07:42 PM

Giỏ hàng