Gốm sứ Bình Dương

     Cùng với những ngành nghề như Sơn mài và Điêu khắc gỗ, nghề gốm sứ không những mang lại giá trị kinh tế cao và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, mà còn tạo nên một nét văn hóa truyền thống đặc sắc.  

     Ông bà ta xưa có câu Thổ hành kim, ly tác bảo, có nghĩa là đất biến thành vàng, bùn biến thành báu vật để ca ngợi nghề làm gốm đồng thời đề cao tính sáng tạo của nghệ thuật làm gốm truyền thống đã và đang tồn tại từ xa xưa đến hôm nay.

 

     Bình Dương là địa phương có nguồn nguyên liệu phong phú cho nghề gốm sứ phát triển. Gần 200 năm hình thành và phát triển, nghề gốm sứ tại Bình Dương đã trải qua không ít những thăng trầm nhưng chưa bao giờ bị gián đoạn. Toàn tỉnh hiện có 83 mỏ nguyên liệu cho ngành gốm sứ với trữ lượng hơn 150 triệu tấn tập trung ở các huyện Thuận An, Tân Uyên và thị xã Thủ Dầu Một. Đây cũng là nơi đã hình thành nên 3 làng gốm là Chánh Nghĩa, Lái Thiêu và Tân Phước Khánh, làm cho Bình Dương nổi danh cả nước.

 

     Hiện nay, tỉnh Bình Dương có gần 300 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 đến 150 triệu sản phẩm các loại, đặc biệt là gốm sứ công nghiệp và gốm sứ mỹ nghệ. Người làm gốm nhiều hay ít phụ thuộc vào từng giai đoạn thịnh, suy của làng nghề. Có lúc, số người làm gốm chuyên nghiệp của tỉnh lên đến hơn 23.000 người.

 

     Nhiều người theo nghề làm gốm không chỉ đơn thuần chỉ vì cuộc mưu sinh mà còn vì lòng yêu nghề, say mê nghệ thuật hội họa, trang trí và tạo hình. Từ đời cha truyền cho đời con, và cứ thế, nghề làm gốm đã ăn sâu vào máu thịt họ từ lúc nào không biết. Nhiều gia đình đã sống trọn cuộc đời cho đất, cho nghề. Và đất cũng không phụ lòng người. Nhiều sản phẩm tinh xảo được nhào nặn từ bàn tay khéo léo của con người đã trở thành báu vật.

 

     Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Minh Long, một nghệ nhân đã gắn bó cả cuộc đời với nghề làm gốm cho biết: “Chúng tôi luôn luôn quan niệm sản phẩm gốm là phần xác và hoa văn là phần hồn. Như vậy người làm gốm phải thổi hồn vào sản phẩm để nó sinh động, hài hòa. Chúng tôi luôn tìm tòi các nét đẹp văn hóa để đưa vào sản phẩm cho phù hợp. Hiện nay có nhiều bộ sưu tập mà chúng tôi đang làm, chưa trình làng”.

 

     Không riêng gì ông Lý Ngọc Minh, mà nhiều nghệ nhân đã từng gắn bó cả đời với nghề làm gốm tại Bình Dương vẫn đang ấp ủ, nung nấu và chưa bao giờ họ ngừng sáng tạo, ước mơ, cho dù nghề làm gốm cũng lắm nỗi nhọc nhằn.

 

     Một sản phẩm gốm được làm ra phải qua đến 7 khâu đoạn từ tìm kiếm cao lanh, phối liệu, tạo hình sản phẩm, chỉnh sửa rồi nhúng men, phun màu, vẽ dưới men hoặc làm màu trên men và nung chín sản phẩm. Mỗi khâu lại có những công đoạn nhỏ. Ví dụ như phối liệu gồm 3 công đoạn nhỏ là khai thác, vận chuyển, phối liệu, xối hồ để chắt lọc và nhào trộn đất sét tinh. Khâu tạo hình gồm 4 công đoạn nhỏ là tạo dáng sản phẩm, hong khô, nhúng men da và hong khô sản phẩm… Các công đoạn ấy hầu như đều được làm bằng tay, bằng kinh nghiệm được tích lũy của người thợ và đã trở thành bí quyết lưu truyền của mỗi gia đình, mỗi lò gốm sứ, được người thợ đúc kết cô đọng trong tám chữ: Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí. Nghệ nhân Bùi Văn Giang, lò gốm Hưng Ký tại xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một cho rằng: “Trong nghề gốm, khó nhất là khâu in”.

 

     Hoa văn trang trí trong sản phẩm gốm sứ Bình Dương với nhiều đề tài phong phú như Bát tiên quá hải, Thất Hiền, Phước-Lộc-Thọ, Mai - lan - cúc - trúc, Lưỡng long tranh châu, sư tử hí cầu và các tích cổ Trung Quốc trong Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Chí… Người thợ gốm Bình Dương cũng lấy hình ảnh thực trong thiên nhiên như con gà, con cua, con cá, con chim chào mào, hoa cúc, thảo mộc… để làm cảm hứng sáng tác trên sản phẩm gốm của mình, tạo nên những bức tranh gốm hồn nhiên, hấp dẫn cùng với nghệ thuật thể hiện màu sắc tương phản, sinh động.

 

     Hiện nay, khi gốm sứ trong nước đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, thì gốm sứ Bình Dương vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm gốm của tình Bình Dương năm vừa qua đã thu được hàng ngàn tỷ đồng. Riêng công ty TNHH Gốm sứ Minh Long đạt doanh thu hơn 350 tỷ đồng.

 

     Anh Đặng Quang Tự, một khách hàng đang sinh sống tại xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhận xét: “Các sản phẩm gốm sứ của Bình Dương có nhiều mẫu mã hợp với văn hóa của người Việt Nam. Chất lượng gốm cũng không thua kém so với các sản phẩm của các nơi khác nhập vào. Tôi là người rất ưa chuộng các sản phẩm gốm sứ của Bình Dương, nhất là dĩa, chén, ấm, ly uống nước”.

 

     Cùng với gốm Bát Tràng, Tràng An, Biên Hòa,… gốm sứ Bình Dương đã góp phần tạo ra các sản phẩm phục vụ nhân dân và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

 

     Từ hòn đất vô tri vô giác, qua bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân, những sản phẩm gốm sứ đậm chất nghệ thuật đã ra đời. Các nghệ nhân nổi tiếng còn lại trong làng gốm sứ Bình Dương hiện nay như: Lý Ngọc Minh, Lý Ngọc Bạch, Từ Trung Hiếu, Vương Cẩm Uông, Dương Văn Long… vẫn như những con ong chăm chỉ, ngày đêm miệt mài, tìm tòi, sáng tạo và truyền nghề cho thế hệ mai sau. Để khẳng định vị thế của nghề gốm sứ địa phương, vào tháng 9 năm nay tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức Festival gốm sứ với quy mô lớn nhằm quảng bá hình ảnh một Trung tâm sản xuất và bảo tồn gốm sứ lớn nhất cả nước./.

Lượt truy cập: 5048 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2011 08:56:13 AM

Giỏ hàng