Gốm sứ men lam một niềm đam mê bất tận

      Cuộc triển lãm mang tên “Xanh và Trắng: Những vật dụng màu xanh và trắng từ Ai Cập đến Trung Hoa” tại Bảo tàng MAK (Vienna, Áo) mới đây được xem như một cuộc hành trình qua truyền thống ngàn năm của dòng gốm trang trí có màu xanh cobalt - thứ màu sắc đầy mê hoặc từng làm thổn thức biết bao người chơi cổ vật và cả những người yêu mến màu men thanh nhã này.

 

Bình men xanh đời Khang Hy (1662-1722), có nắp và vòi theo phong cách châu Âu

 

 

Bình sứ men xanh cobalt thời Thanh (1736-1795)

 

     Triển lãm không chỉ là dịp điểm lại lịch sử của một dòng sản phẩm đặc trưng từ thời Ai Cập cổ xưa kéo dài đến tận thế kỷ XX, mà còn tạo ra cơ hội cho những cuộc “thám hiểm” ở thời hiện đại - đi sâu tìm hiểu những mối tương tác văn hóa trải qua nhiều thế kỷ mà những món đồ sứ xanh và trắng là một đại diện.

 

Đĩa sứ men xanh cobalt thời Nguyên (1271-1368), giữa thế kỷ XIV

 

     Đồ sứ xanh cobalt xuất hiện như một dòng đồ trang trí sang trọng có từ thế kỷ thứ X tại Ai Cập và lan ra toàn thế giới. Loại sứ xanh ấy chẳng mấy chốc trở thành những vật dụng và sản phẩm trao đổi quý giá, được ưa chuộng còn hơn vàng ròng. Từ thế kỷ XIV, việc sản xuất gốm màu xanh cobalt tại Trung Hoa đã đạt được những thành công rực rỡ.

 

     Những sản phẩm đồ sứ trang trí xanh - trắng đặc trưng Trung Hoa mau chóng trở thành một nguồn hàng hóa có nhu cầu lớn ở Ba Tư - lãnh thổ của đế chế Ottoman - và lan sang cả châu Âu. Những thương nhân từ Ba Tư và Ả Rập đã có sự đầu tư sâu rộng để chuyên kinh doanh mặt hàng này.

 

 

Đồ đốt trầm thời Minh (1368-1644), đầu thế kỷ XVII          

 

Đĩa của Iran khoảng thế kỷ XVII

 

 

Đồ đốt trầm thời Thanh (1736-1795). Sứ phủ men xanh bóng, phần đế và nắp bằng kim loại tráng men

 

     Vào thế kỷ XVI, những người dân châu Âu, đặc biệt là người Hà Lan và Bồ Đào Nha, đã chiếm lĩnh thị trường châu Á. Hàng ngàn sản phẩm đồ sứ Trung Hoa được rao bán trong những cuộc đấu giá, đặc biệt là những dụng cụ dùng cho bàn ăn và cả những sản phẩm trang trí cho phòng khách.Quá trình này cho thấy những nhà sản xuất Trung Hoa đã chứng tỏ khả năng thích ứng đặc biệt của họ về kiểu dáng để đáp ứng những yêu cầu tiêu dùng, trang trí, vận chuyển theo phong cách châu Âu.

 

     Mức độ yêu cầu với hàng gốm sứ Trung Hoa tại châu Âu và thế giới Hồi giáo được duy trì đến tận thế kỷ XX. Cũng từ đó, phong cách đồ sứ Trung Hoa cũng nhanh chóng lan rộng sang các nước láng giềng. Ban đầu, những nước này nhập hàng Trung Hoa nhưng rồi họ cũng xây dựng được hệ thống sản xuất đại trà và nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh thương mại, mà hai đại diện tiêu biểu là Triều Tiên và Việt Nam.

 

 

Thố men xanh có nắp gỗ thời nhà Thanh, giai đoạn Khang Hy (1662-1722)

 

     Ở châu Âu, nhu cầu sở hữu những món hàng sứ nhập cảng từ châu Á đã trở thành một thứ mốt thời trang. Sự yêu thích nghệ thuật Trung Hoa, được nhắc đến với từ “Chinoiseries” lan tỏa vào nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, thiết kế nội thất, thời trang và trang trí. Những gian phòng trở nên quý phái hơn nhờ việc bài trí bằng những sản phẩm đồ sứ Trung Hoa, những bàn ăn sang trọng hơn nhờ những món chén, đĩa sứ xanh - trắng.

 

Bát men xanh với hoa văn sọc của Iran, thế kỷ XIII

 

     Ở thời kỳ đầu của nền sản xuất gốm sứ châu Âu, nhiều xưởng sản xuất tại Meissen và Vienna đã xem các món đồ châu Á như những kiểu mẫu về phong cách. Hiện nay, tuy không còn tạo nên cơn sốt mang tính thời trang, nhưng những món đồ sứ xanh - trắng vẫn được nhiều người châu Âu rất ưa chuộng.

 

Chi tiết trên dĩa của Iran thế kỷ XVII

 

Tô sứ phủ men xanh của Nhật, sau năm 1970

 

     Với khoảng 400 mẫu vật men xanh trắng, triển lãm lần này của Bảo tàng MAK đã đưa người xem vào một thế giới thủ công của nghề gốm sứ, từ Ai Cập huyền bí đến Trung Hoa sắc sảo. Những khách tham quan có dịp làm một cuộc hành trình ngược dòng theo sắc xanh cobalt mê hoặc về lại với những cội nguồn văn hóa đích thực của chúng để thấy sắc xanh ấy quyến rũ hơn.

Lượt truy cập: 8601 - Cập nhật lần cuối: 28/02/2012 15:07:52 PM

Giỏ hàng