Nét vẽ dân gian trên đồ gốm cổ truyền Việt

      Sử liệu cho thấy ông cha ta trên tường chùa làm vào thời Lý thời Trần có những bức vẽ lớn, trong chốn triều đình, sử liệu cũng ghi lại những bức chân dung Khổng Tử và chư thánh được thờ trong Văn Miếu, khi Văn Miếu được xây dựng . Nhưng có phải đến lúc ấy họ mới vẽ tranh đâu? Có phải đến thời ấy họ mới xây dựng đền chùa, cung điện đâu?

      Qua đường biển, đạo Phật được truyền trực tiếp từ Ấn Ðộ vào Việt trước khi được truyền sang Tàu. Thiền uyển tập anh (viết năm 1337) nhắc lại truyện sư Ðàm Thiên rằng vào cuối thế kỷ thứ 2, đã có 20 chùa, 500 vị sư và đã dịch được 15 bộ kinh . Như vậy, đạo Phật phải được truyền vào nước ta từ khoảng thế kỷ thứ 1 (hay trước đó) và trên tường chùa thời ấy đã hẳn phải có tranh vẽ rồi. Tiếc thay, tranh vẽ trên giấy, trên lụa, trên tường, trên tiền giấy… của ông cha ta đã theo thời gian, đã bị quân Minh hủy diệt, đã bị chiến tranh tàn phá, còn chăng chỉ là lời nhắc trong bia chùa, trong sử sách  . Tranh mộc bản của làng Ðông Hồ là tranh thuần Việt, nhưng cũng còn là tranh khá mới, chắc chỉ bắt đầu xuất hiện từ khoảng từ thế kỷ 19, hay 18 mà thôi.

 

 

     Tuy nhiên, hãy trở ngược dòng lịch sử để tìm dấu tích nét vẽ dân gian của ông cha ta. Thử tìm dấu vết nền hội họa cổ truyền Việt trên các món đồ còn sót lại của nền văn hóa thuần Việt. Ðình, chùa, cung điện, tranh vẽ dầu đã mất rồi, nhưng chúng ta vẫn còn lại những hình vẽ trên trống đồng Ðông Sơn, trên những món đồ gốm cổ, với những hình vẽ biểu hiệu đời sống Việt .

 

     Ông cha ta đã bắt đầu dùng hình vẽ để trang trí từ rất lâu. Những di tích của đồ gốm thời văn hóa Hòa Bình (mười ngàn năm trước đây) có những hình giây in, trong hang Ðồng Nội ở Hòa Bình đã có hình khắc ba mặt người và một mặt thú, mũi dùi bằng xương ở Lam Gan (Hòa Bình) khắc nhánh cây với sáu lá mọc so le... Rồi những mảnh gốm của văn hóa Phùng Nguyên cách nay hơn bốn nghìn năm cũng cho thấy ông cha ta đã vẽ các hình trang trí như biểu thị sóng nước, cành lá… Hình vẽ những hình kỷ hà và các sinh hoạt dân gian trên trống đồng Ðông Sơn (hơn hai nghìn năm trước) cho thấy nghệ thuật đã đạt đến mức rất cao. Ðồ gốm vào các thế kỷ đầu của thời Bắc Thuộc được trang trí bằng những giọt men xanh chảy loang lổ mà không có các hình vẽ trên nền gốm. Từ thế kỷ thứ 11 trở đi cho đến đầu thế kỷ 17 (khi đồ gốm Chu Ðậu tàn lụi), hình vẽ trên đồ gốm trở nên vô cùng phong phú, nhiều chi tiết, tỏ rõ những đặc điểm văn hóa của từng thời kỳ. Số lượng đồ gốm làm trong sáu, bảy thế kỷ này còn lại rất nhiều và là nguồn vui của những kẻ sưu tầm, gìn giữ gia sản văn hóa ông cha. Vào lúc trời khuya, đêm tịch mịch, ấm trà Thái Nguyên đậm đà hương vị, cầm trên tay những món đồ gốm cổ của ông cha ta mà xăm soi ngắm nghía những nét vẽ dân tộc, tưởng rằng không còn gì vui sướng hơn.

Nhìn vào nét vẽ dân gian trên đồ gốm cổ Việt , ta nhìn qua hai khía cạnh: nét bút và đề tài.

 

1. Nét bút

 

     Trên những mảnh gốm cổ trước thời Bắc Thuộc, hình trang trí thường được vẽ bằng cách dùng mũi nhọn chấm lên nền gốm ướt, trước khi nung, tạo nên các đường dấu chấm. Sang đến những thế kỷ sau, người ta không dùng mũi nhọn để vẽ bằng các đường dấu chấm nữa, mà dùng mũi nhọn vẽ những đường liên tục, thẳng, cong và tròn như thường thấy trên trống đồng Ðông Sơn. Trên trống đồng, những hình kỷ hà có nét vẽ rất đều đặn, cân đối, hình tròn rất tròn, những đường gẫy, đường cong rất đều nhau, hình người, hình chim, hình thuyền rất linh động, chứng tỏ tài cầm bút của những nghệ sĩ này đã rất cao. Ðồ gốm tráng men xanh, men nâu vàng vào thế kỷ thứ 5 trở đi thường có những nét vẽ đơn giản. Những nét vẽ càng trở nên phức tạp, chi tiết dần từ khoảng thế kỷ thứ 10, thứ 11, đầu đời Lý. Rồi từ thế kỷ 14 cho đến hết thế kỷ 16, thời kỳ của đồ gốm Chu đậu, thời tuyệt đỉnh của đồ gốm Việt , nét vẽ trở nên rất linh động, thể hiện rõ ràng từng bản sắc cá nhân của người nghệ sĩ. Nét vẽ trên đồ gốm đời Lý không chỉ là bằng mũi nhọn khắc trên nền men, mà còn bút lông vẽ men nâu hay nâu đen trên nền gốm trắng. Nhiều khi nét vẽ rất chi tiết, linh động, nhiều khi nét vẽ là do lưỡi dao tre cạo xuống nền men, cho trơ đất mộc ra rồi vẽ bằng bút lông với men nâu vào trong các hình khắc đó. Những nét vẽ trên đồ gốm Chu Ðậu loại đẹp (với những món còn giữ được ở các viện bảo tàng ở châu Âu và Ả Rập) cho thấy người ta đã bỏ nhiều thì giờ, nhiều công lao, nhiều chú tâm và nhiều sáng tạo vào nét vẽ, hình vẽ tương đương với những công sức của việc nặn, nung các món đồ gốm ấy. Người ta cũng quý trọng các bản vẽ ấy đến độ ký tên và đề năm tháng trên các món đồ gốm này. Dù có những món đồ gốm mà hoa văn vẽ bằng bút lông, nhưng nét bút của đồ gốm thời Lý phần lớn vẫn là nét bút của mũi dao, trong khi nét bút của đồ gốm Chu Ðậu là nét vẽ của bút lông với mực là màu men lỏng. Nét vẽ thanh tú, khi đậm, khi nhạt, khi to, khi nhỏ, khi thì rất chi tiết, khi thì nhanh tay phóng túng. Những nét vẽ và màu men của đồ gốm Chu Ðậu ăn đứt đồ gốm đời nhà Minh và mặc dù được làm trước thời đồ gốm nhà Thanh bên Tàu, nhưng so ra thì đẹp còn có phần hơn đồ gốm nhà Thanh vốn thường được quý chuộng. Hãy cứ thử so sánh những bình như bình mà Duke of Florence tặng cho Prince-Elector of Saxony năm 1590 với những bình Khang Hy, ta sẽ hãnh diện vô cùng về nét vẽ, màu men của những người làm đồ gốm ở Hải Dương thời đó. (Ôi! Ðau đớn thay cho nghệ thuật, văn hóa Việt Nam, đã bị thảm hại, bởi chiến tranh mà lại còn không được biết đến, không được yêu quý bởi chính cả người Việt). Sau thời Chu Ðậu, ta thấy đồ gốm Bát Tràng trở nên lem luốc, màu men đục lờ, nghệ thuật không còn được chú trọng, được phát huy, nét vẽ trở nên những đường vụng về, như là vẽ để sơn phủ màu men lên nền gốm mà thôi. Với những món đồ thuộc loại Men lam Huế của thế kỷ 18, 19, nét vẽ là của thợ gốm người Tàu đời Thanh. Kể cả bộ trà Mai Hạc do cụ Nguyễn Du đặt làm (với hai câu thơ nôm bất tử: 'nghêu ngao vui thú yên hà - mai là bạn cũ hạc là người quen', với hình cỗi mai già và chim hạc đứng lẻ) thì cũng vẫn là nét vẽ của người thợ Tàu vẽ lại trên nền men trắng.

 

2. Ðề tài

 

     Những hình vẽ trên các mảnh gốm cổ của văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Ðông Sơn, của những món đồ gốm làm dưới thời Bắc Thuộc là những hình kỷ hà, dùng để trang trí. Nhưng nhìn vào các hình vẽ trên những trống đồng Ðông Sơn, cho dù chúng ta còn thắc mắc về ý nghĩa của biểu tượng mặt trời, của chim hạc, của những hình kỷ hà tròn, xoắn và tam giác… ta cũng phải nhận rằng bên cạnh các nét ấy, rõ ràng những cảnh sinh hoạt rất sống đông của ông cha ta nhiều ngàn năm trước. Nào là cảnh múa hát, cảnh bơi thuyền, cảnh nhà với sinh hoạt của người và gia súc, chim chóc, gà, trâu, hươu, nai… Phải chăng đây là dấu tích xưa nhất của nền hội họa dân gian?

Sang đời Lý, ảnh hưởng Phật giáo trùm khắp. Vua Lý Thái Tổ vừa lên ngôi được hai năm, cung điện, thành quách chưa xây mà đã cho xây tám ngôi chùa [4] . Nhu cầu tạo dựng chùa và cung điện tạo ra nhiều phát triển của nền hội họa (để vẽ tranh trong chùa, trong cung và để làm các món đồ gốm tế tự. Bình hương, bình trầm, chân đèn, bát chén… được sản xuất rất nhiều). Nghệ thuật đạt lên mức rất cao với những hình vẽ có đề tài Phật giáo, khi thì là đề tài với ảnh hưởng Ấn Ðộ, khi thì là đề tài Phật giáo dân gian Việt . Xem mười món đồ gốm thời Lý thì chín món có những hình vẽ biểu tượng của Phật giáo, trong đó hoa sen và hoa cúc là đề tài chính. Hoa cúc được vẽ rất nhiều trên đồ đời Lý, vì với Phật giáo Việt đời Lý, hoa cúc và hoa sen là biểu tượng chính. Hoa sen là biểu tượng Phật giáo Ấn Ðộ, còn hoa cúc là đề tài riêng của Phật giáo Việt . Trên đồ gốm đời Lý, hoa sen được vẽ rất nhiều, trình bày qua rất nhiều dạng thức, khi thì là hoa sen nở nhìn từ trên xuống, cánh xòe ra kín cả mặt chén, mặt đĩa; khi thì là hoa sen búp, nhìn nghiêng; khi thì cả cành sen từ ngó đến lá đến hoa; khi lại là những bông sen xoắn quấn quít nhau cùng khắp. Nhiều món vẽ cả hoa sen lẫn hoa cúc, nhiều món lại vẽ riêng, trên vành chén đĩa là những cành lá cúc uốn quanh. Hoa cúc có khi được vẽ cùng cành lá, nhiều khi lại được vẽ ở giữa, trong lòng những vòng đồng tâm có mây có lá. Ảnh hưởng Phật giáo Ấn Ðộ còn thấy qua những hình vẽ bát bửu, hay thể hiện qua các hình vẽ trang trí bằng những hình lục giác nối tiếp nhau che kín lòng đĩa, trong hình lục giác thường thấy vẽ chữ Vạn. Ngoài ra, đồ gốm đời Lý-Trần cũng mang những hình vẽ có đề tài bắt nguồn từ đời sống hàng ngày, như hình khóm lan, hình nhành lá dài trông như hình cành rau muống, hình chim tha mồi, gà mổ thóc giữa vùng cây lá, hay hình voi, và đặc biệt là những hình vẽ các chiến sĩ mang khiên đấu gươm… Trong thời kỳ của gốm Chu Ðậu, đề tài phong phú vô cùng mà rất linh động. Hoa mẫu đơn trở nên phổ thông, được vẽ nhiều hơn hoa sen. Chim sẻ, chim chích choè nhảy múa, ca hót, giang cánh bay, hay đứng trên cành mai nở, đậu trên khóm trúc là những đề tài thường thấy. Rồi chim hạc, chim công xoè cánh trong vườn mẫu đơn, chích chòe bay trên cánh đồng, giữa cây giữa lá, cảnh chim bói cá bắt mồi trên ao sen, cá bống, cá chép, chuồn chuồn, tôm, đàn vịt bơi dưới ao sen có bươm bướm bay la đà, cảnh sơn thủy có đảo, có núi, có cây, có lâu đài, cảnh hươu nai chạy nhảy, hình con nghê cùng cành mai, khóm trúc, bao quanh bởi hoa mẫu đơn. Trong lòng bát cũng thường thấy vẽ bụi lan, cây lúa, tàu lá chuối, vành quanh miệng đĩa chén là những vòng hoa cúc, hoa sen, vòng quanh bình, ấm là những ô vẽ ngựa, vẽ hoa, vẽ sóng nước, vẽ cây lúa, đặc biệt là những ô xen kẽ dương bản và âm bản, ô trắng hoa xanh, ô xanh hoa trắng rất đẹp. Có những đề tài lạ, rõ ràng là làm theo ý người đặt, rất linh động, vẽ cảnh hải chiến giữa hai tàu buồm lớn, người tử trận trôi dưới biển đang bị cá lớn đớp. Rồng cũng là đề tài lớn, được vẽ thường trên bình, trên nậm và nhiều nhất là trên chân hương, chân đèn. Vẫn là con rồng Việt Nam, thân dài, uốn khúc, uyển chuyển, chân như chân gà, bờm tóc dài, có râu và có túm lông ở khuỷu chân, vẫn giữa cây giữa lá, là phối hợp mà nghệ sĩ Tàu không bao giờ vẽ, vì với họ, rồng chỉ đi cùng với mây, cao xa trên trời thôi, không gần gũi với dân gian như con rồng-rắn của chúng ta. Những bình, đĩa đẹp của thời Chu Ðậu vẽ hoa mẫu đơn cùng khắp, hình vẽ sống động, chi tiết, bố cục chặt chẽ, cân đối [5] . Sau này sang đến gốm Bát Tràng của thế kỷ 17, 18 thì đề tài được giới hạn lại, thường là vẽ rồng, cành mai, khóm trúc. Rồi thế kỷ 18, 19 với những món đồ men lam Huế, đặt làm bên Tàu bởi Trịnh Sâm, bởi các vua đời Nguyễn thì đề tài lại khác hẳn đi. Trịnh Sâm ưa vẽ rồng và lân, ưa dùng điển Tàu, biểu tượng Tàu. Ðồ do nhà Nguyễn đặt cũng là đồ đời Thanh, hình vẽ có đề tài Trung Hoa. Thảng hoặc mới thấy những món có thơ nôm, như bộ trà mai hạc, như cái tô ký hiệu chữ nhật (hiệu ký của đồ gốm các vua triều Nguyễn) có vẽ cảnh sông nước mà có người bảo là cảnh cửa biển Tư Dung…

 

     Tóm lại, đi tìm sắc thái hội họa cổ truyền của ông cha, ta chỉ còn có thể nhìn thấy qua những món đồ gốm cổ còn sót lại. Nhìn vào đó, ta có thể kết luận rằng: ông cha ta đã vẽ hình để trang trí, để thờ cúng, để diễn tả tình cảm, xúc động, để làm đẹp cho đời sống từ thời văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn nhiều ngàn năm trước. Những hình vẽ trên đồ gốm còn cho thấy rằng ảnh hưởng Trung Hoa trên các nét vẽ Việt Nam không có là bao, và nghệ thuật vẽ hình trên đồ gốm của ông cha ta, dưới đời Lý, đời Trần, đời Hậu Lê, đời Mạc đã rất cao. Những hình vẽ ấy thường là những hình ảnh của sinh hoạt dân gian, của những biểu tượng nông thôn, của hồn Việt tinh khiết, không ô bị nhiễm bởi văn hóa Nho giáo. Ðó chỉ là mới nhìn qua những hình vẽ trên đồ gốm mà khuôn khổ, màu sắc và chất liệu còn thu gọn tài năng của người nghệ sĩ rất nhiều. Hẳn rằng những tranh lụa, tranh tường, tranh mực tàu dưới những thời ấy còn đẹp bội phần. Hẳn rằng tài nghệ người họa sĩ dân gian Việt , hẳn rằng nền hội họa thuần Việt thời đó đã đạt đến mức tuyệt vời. Nếu chúng ta đã may mắn còn giữ lại được các tranh vẽ ấy thì chắc rằng ai cũng phải nhận rằng tranh vẽ Việt Nam rất đẹp và rất cá biệt, và ai cũng rất hãnh diện, rất yêu thích nét vẽ dân gian, thuần Việt. Nhưng tiếc thay nhà Minh đã hủy diệt hầu hết và số nhỏ còn lại thì thời gian, chiến tranh và thói 'bụt chùa nhà không thiêng' đã hủy diệt phần còn lại. Người Nhật, người Tàu thời ấy hơn gì ông cha chúng ta đâu. Chẳng qua là họ khéo gióng trống, khéo rung chuông xưng tụng văn hóa của họ. Trong lúc đó, chúng ta coi thường, chúng ta bỏ bê, chúng ta để cho mai một những cái đẹp, cái hùng của tổ tiên, mà ngợi ca những cái đẹp của người, mà học đòi làm giống như người, mà truyền dạy nhau những điều sai lầm về nguồn gốc, về văn hóa Việt Nam, rồi giang tay ôm choàng những chủ thuyết, những cặn bã văn hóa ngoại lai, rồi lại còn cho thế là tân tiến! Ðể ngày nay, mỗi lần nghĩ tới văn hóa ông cha, mỗi lần thấy đồ Tàu, đồ Nhật được tán dương, được trân quý, ta không khỏi bùi ngùi chua xót.

 

Lượt truy cập: 4902 - Cập nhật lần cuối: 28/02/2012 15:19:28 PM

Giỏ hàng