Bí kíp tân trang đồ gốm sứ cổ

     Đang có một công việc ổn định nhưng đồng lương quá eo hẹp nên anh Nguyễn Văn Hảo quyết định ra ngoài làm việc. Cơ duyên đã đưa người đàn ông này đến với một nghề rất đặc biệt - nghề phục chế đồ gốm cổ. Dường như không ai có thể nhận ra những món đồ cổ đẹp long lanh lại chính là những món đồ đã từng vỡ, hỏng....thậm chí là nát vụn được bàn tay người thợ này gia công lại.

 

Đập bát, đĩa... để học nghề

 

     Anh Hảo kể với chúng tôi, anh đến với công việc đặc biệt này là một sự vô tình. Sau khi quyết định rời bỏ công việc tại một đơn vị kinh doanh nhựa, anh chuyển sang vẽ tranh kiếm sống. Tuy nhiên, khi nghe một người bạn nói về nghề phục chế đồ cổ vỡ, hỏng.... anh liền bắt tay vào tìm tòi. Ngoài kiến thức về hội họa, anh Hảo hoàn toàn chưa có kiến thức gì về đồ cổ cũng như các dòng gốm, sứ và các kỹ thuật gắn kết, tạo màu men... cho đồ gốm, sứ. Thế nhưng có lẽ sự đam mê chính là loại keo gắn tốt nhất cho công việc này của anh.

 

     Để thử nghiệm, anh Hảo tự mang bát, đĩa...trong nhà ra đập vỡ vụn. Sau đó lại tìm cách gắn chúng lại theo hình dạng như cũ và tìm mọi cách để cho những mảnh vỡ ấy được gắn kết mà không để lại vết tích cho đến khi chúng biến thành sản phẩm như lúc ban đầu mà không ai có thể nhận thấy đó chính là những mảnh vỡ ghép lại.

 

     Công việc điên rồ là tự đập đồ ở nhà đi rồi lại gắn lại như thế diễn ra trong đúng 1 năm thì anh Hảo mới chính thức bắt tay được vào nghề. Ban đầu, chỉ là một vài người quen biết mang sản phẩm đến nhờ anh gia công, chỉnh sửa lại. Nhưng tiếng lành đồn xa, càng ngày công việc của anh càng trở nên thuận lợi và nhiều khách hàng. Giới chơi cổ vật đánh giá rất cao về tay nghề của anh bởi những sản phẩm qua bàn tay của anh Hảo gia công thì dù có vỡ, nát ở mức độ nào cũng đều có thể trở lại như hình dáng ban đầu. Bản thân những người chơi đồ cổ hay buôn đồ cổ ít kinh nghiệm cũng khó có thể nhận ra những sản phẩm này đã từng được phục chế.

 

     Anh Hảo kể, một diễn viên nổi tiếng từng mang đến nhà anh 1 đôi ghè (1 loại đồ gốm gần giống chum) vỡ tứ tung nhờ phục chế. Đến khi nhận lại sản phẩm, bản thân chủ nhân của đôi ghè cũng không thể nhận ra chỗ nào là nguyên bản, chỗ nào là sửa chữa. Hay một lần gần đây, khi đến chơi nhà một người bạn, anh Hảo bỗng nhận ra một chiếc bình khá quen thuộc. Khi anh nói với người chủ này đó là chiếc bình đã được sửa chữa thì người chủ khăng khăng không thừa nhận vì cho biết đã mua chiếc bình đó cả chục năm nay và nó chưa bao giờ bị vỡ, hỏng. Chỉ đến khi anh Hảo chỉ chi tiết cách phân biệt thì người bạn kia mới biết đó là đồ đã được phục chế.

 

     Theo quan điểm của anh Hảo, việc phục chế này chính là làm hoàn thiện những sản phẩm bị vỡ, hỏng để tạo nên giá trị về thẩm mỹ cho sản phẩm. Tuy nhiên, anh Hảo cho biết, trên thị trường có rất nhiều người bán các sản phẩm đồ cổ đã bị phục chế lại mà người mua không có kinh nghiệm sẽ rất dễ bị nhầm lẫn. Anh Hảo cho biết, những món đồ đã được sửa chữa thường có giá trị thấp hơn nhiều lần so với đồ nguyên vẹn. Một sản phẩm đã bị chữa có giá khoảng 1000 USD thì sản phẩm nguyên vẹn có thể là cả chục ngàn USD.

“Phẫu thuật, chỉnh hình” đồ cổ

 

     Trong số những công đoạn để phục chế một món đồ vỡ, hỏng thì việc đắp cốt và gắn kết các mảnh vỡ là đơn giản nhất. Đây tuy là công đoạn cần sự kiên trì, tỉ mẩn....nhưng công đoạn hoàn thiện mới thực sự cần có một bàn tay tài hoa và tư duy về hội họa nhuần nhuyễn.

 

      Nếu sản phẩm là các mảnh vỡ vụn thì trước hết phải tìm cách gắn lại các mảnh vỡ theo đúng trật tự của nó. Còn đối với những sản phẩm bị sứt, vỡ mất một phần thì cần tạo ra cốt cho các phần thiếu hụt đó bằng cách dùng xi măng trắng hoặc bột đá trộn với một loại keo đặc biệt tạo mới các phần bị thiếu hụt sao cho đúng hình dáng nguyên gốc ban đầu của sản phẩm. Theo kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề phục chế đồ cổ của anh Hảo, các sản phẩm anh thường gặp nhất là các loại bình gốm bị mất quai, mất vòi hay các loại lọ, thạp....vỡ miệng.

 

     Sau khi các mảnh ghép đã được gắn kết, người thợ phải dùng giấy giáp để đánh các đường gắn cho chúng không còn “biên giới” với những mảnh gốm. Khi công việc đánh nhẵn kết thúc, sản phẩm sẽ được tạo màu nền bằng 1 loại hóa chất đặc biệt. Sau đó mới là công đoạn vẽ. Đây là khâu khó nhất trong quá trình phục chế. Anh Hảo cho biết, các nét vẽ ở đồ cổ nguyên bản thường có độ nét sâu. Hoa văn trong đồ cổ chia thành hai loại. Một loại là những hoa văn phức tạp, tinh xảo và một loại là các nét vẽ khá đơn giản, thậm chí có phần ngây ngô. Với loại hoa văn phức tạp thì người thợ cần phải thể hiện được đúng với tinh thần của sản phẩm nguyên gốc và chính xác đến từng đường tơ, kẽ tóc. Còn với loại sản phẩm đơn giản thì người thợ lại phải thể hiện đúng như sự ngây ngô của sản phẩm ấy. Đây là điều không đơn giản bởi các nét vẽ ngày nay thường được trau chuốt rất cẩn thận. Chính bởi vậy, làm cách nào để có được những nét vẽ như sản phẩm nguyên bản đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Sau khi vẽ cho sản phẩm, công đoạn cuối cùng là làm cũ phần phục chế bằng các kỹ thuật chuyên biệt.

 

     Các sản phẩm hỏng nhỏ thì có thể chỉ mất một vài tiếng đồng hồ là hoàn thiện nhưng cũng có những sản phẩm mất rất nhiều thời gian. Tiền công cho một sản phẩm thường được tính theo cấp độ cần khôi phục của sản phẩm và giá trị của sản phẩm. Có những sản phẩm chỉ mất vài trăm ngàn đồng tiền công nhưng có những sản phẩm mất tới cả vài chục triệu đồng.

 

     Anh Hảo cho biết, để nhận biết đồ cổ đã có phần phục chế hoàn toàn không khó với những người đã có kinh nghiệm. Theo anh Hảo, một số phần như quai ấm, vòi, miệng bình....là những nơi hay bị hỏng, vỡ nên sản phẩm bị sửa chữa những phần này cũng rất nhiều. Thông thường thì những phần được sửa chữa sẽ có những âm thanh khác so với phần sản phẩm gốc.

 

Dễ mua phải đồ rởm

 

     Nghề phục chế, sửa chữa đồ cổ tuy cũng mang lại nhiều lợi ích về vật chất cho anh Hảo. Tuy nhiên với anh, cái được lớn nhất của nghề này mang lại chính là anh có thể nhận biết được rất rõ về giá trị và niên đại của một món đồ cổ, đặc biệt là các dòng gốm, sứ. Có những sản phẩm chỉ cần nhìn từ xa anh đã có thể nhận biết được các món đồ có được sửa chữa hay còn nguyên bản hoặc đó là món đồ cổ hay giả cổ.

 

     Theo anh Hảo, thị trường đồ cổ khá phức tạp. Các món đồ cổ thường có giá trị lớn nên việc làm giả cổ diễn ra tràn lan. Rất nhiều người sưu tầm đồ cổ thậm chí là dân buôn đồ cổ chuyên nghiệp cũng có thể bị mua nhầm bởi kỹ thuật làm giả cổ hiện rất tinh vi, nếu không có kinh nghiệm thì rất dễ bị mua phải đồ giả, đồ nhái. Chính vì vậy, có những món đồ giả cổ có giá trị chỉ vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng thì được thổi giá lên cả trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng....

 

     Anh Hảo cho biết, việc phân định đồ cổ không có một mẫu số chung nào. Với mỗi món đồ hoặc từng loại đồ cổ mà có những cách phân biệt riêng. Theo anh Hảo, thị trường đồ cổ Việt Nam hiện có khá nhiều đồ giả cổ, có những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Kỹ thuật làm giả cổ ở trong nước và nước ngoài đạt đến trình độ cực kỳ tinh xảo. Nếu là những món đồ cổ có xuất xứ từ nước ngoài thì cần phải xem thật kỹ lưỡng. Trên thị trường hiện xuất hiện nhiều món đồ cổ được giới buôn bán thổi phồng về niên đại và giá trị thực. Những món đồ này nếu là đồ cổ thật thì khó lòng vượt khỏi biên giới của đất nước đó bởi chúng đều là những món quốc bảo và có những giá trị vô cùng cao mà các nhà sưu tập trong nước khó lòng đủ tiền để mua được.

 

 

Lượt truy cập: 7681 - Cập nhật lần cuối: 27/04/2012 14:52:13 PM

Giỏ hàng