Nguyễn Ngọc Tuấn người thợ gốm táo bạo

Giữa những bụi bặm của làng gốm, có một người dung dị với từng tấc đất, chỉ mong được thắp lửa cho cái nghề của cha ông. Đó là Nguyễn Ngọc Tuấn, nhiều người đã quen với cái danh xưng Tuấn “đồng nát” trong làng gồm Bát Tràng.

Người thợ gốm táo bạo      Không phải người Bát Tràng, cũng không phải dân hội họa, Nguyễn Ngọc Tuấn sinh ở Vĩnh Phúc, lớn lên học vẽ bản đồ nhưng chỉ ít thời gian được tiếp xúc với gốm Bát Tràng, anh như bị hút hồn và mê mẩn nó tự lúc nào.

      Năm 1990, Nguyễn Ngọc Tuấn lang thang khắp các xưởng ở Bát Tràng để xin việc nhưng bị từ chối. Một chủ xưởng thương cậu trai trẻ yêu nghề nhận về học việc. Lúc đó, Tuấn chưa biết người đó chính là hậu duệ của dòng dõi nhiều đời làm gốm, từng được Bác Hồ về thăm. Và, cái số nghệ sĩ trong anh càng được đánh thức bởi tình cảm mà cô con gái diệu của vị chủ xưởng dành cho anh ngày một lớn dần. Chẳng mấy chốc, anh trở thành thành viên của gia đình gốm nọ.

      Bén duyên với gốm lại sẵn có năng khiếu về hội họa và kiến thức điêu khắc, Tuấn điên cuồng dốc sức cho từng mẻ gốm. Được sự hỗ trợ từ gia đình và vay mượn, 2 vợ chồng hỳ hục đắp lò nung gốm.

      Lúc đó, gốm Bát Tràng phần lớn theo những mẫu có từ hàng ngàn năm hoặc những đồ dùng hữu ích. Nguyễn Ngọc Tuấn đã làm một bước đột phá khi đem những ý tưởng độc đáo về nghệ thuật tạo hình hiện đại để đưa vào thử nghiệm. “Vạn sự khởi đầu nan”, những lứa gốm đầu tiên ra lò không thành công. Để có một sản phẩm vừa lòng thì hơn trăm cái bị lỗi. Không những vậy, những sản phẩm tâm huyết của anh bị người trong làng chê là “vứt đi”. Và nhiều người, nửa đùa, nửa thật gọi anh là kẻ phá gốm. Cũng từ đó, biệt danh “Tuấn đồng nát” ra đời.

      Những nỗ lực của anh đã được đền đáp, khi những sản phẩm mang hơi thở cuộc sống hiện đại rất được ưa chuộng. Nhưng cái biệt danh “đồng nát” thì vẫn còn. Còn vì chính anh lại thích thế, vì có thể nó đã chạm đúng cái chất nghệ sĩ. Anh tâm sự: “Tuấn ngày xưa và Tuấn bây giờ vẫn là “đồng nát” thôi. Có điều bây giờ mình hướng vào nghệ thuật có ý thức. Ngày xưa làm theo cảm tính và bị ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, nhưng càng ngày mình càng hiểu ra, văn hóa dân tộc ta sâu sắc vô cùng”.

      Nếu như trước kia anh bị coi như dân ngụ cư đến học lỏm thì giờ đây, nhiều chủ xưởng đã dùng mẫu của của anh để chào hàng. Thậm chí, có người làm giống y hệt sản phẩm của anh rồi bán đại trà. Cầm chiếc vòng gốm đang đeo trên cổ, anh cười: “Mình là người có ý tưởng làm vòng gốm đầu tiên, bây giờ thì vòng gốm đang nuôi cả làng”. Tuấn “đồng nát” vẫn vui. Vui vì sản phẩm của anh được lan rộng và vui làng gốm đang thay đổi tư duy.

      Với anh, truyền thống không phải là đi thụt lùi. Anh minh chứng bằng việc lôi ra một mảnh gốm có hình rồng thời Lý: “Đây! 1.000 năm trước ông cha đã làm được thế này, giờ chúng ta vẫn chỉ làm được như thế, có khi bắt chước còn sai thì gọi gì là giữ gìn”. Có lẽ vì thế mà anh lại phiêu bạt khắp nơi như con ngựa bất kham không chịu để tư duy mòn cũ. Cứ thế anh lao vào tìm hiểu văn hóa dân tộc, lúc ở làng Lụa Vạn Phúc, khi lại tận miền Tây hay ngược lên Tây Nguyên. Sau mỗi chuyến đi, anh lại về hỳ hục vẽ, nặn, gọt đất. Những con gốm có mặt tại xưởng là kết quả của những tháng ngày, gã “đồng nát” phiêu dạt để tìm hồn cho gốm.

      Giờ đây, khách hàng của anh thật đa dạng, từ cá nhân, công ty đều đặt hàng. Người trong nước, đến khách ngoại quốc, tất cả đều bị chinh phục bởi sự phá cách trong sản phẩm truyền thống của anh.

      Từng giành giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” (Festival Huế 2004), “Ngôi sao VN” (Bộ Văn hóa - Thông tin 2006), rồi độc quyền thiết kế về gốm cho dự án làng các dân tộc Việt Nam, song tâm niệm sáng tạo của anh mộc mạc và giản dị: “Tôi thích làm những gì gần gũi, gắn bó với cuộc sống quanh mình”. Đến giờ, cái tên “Tuấn đồng nát” đã thành thương hiệu, anh vẫn ký tên trên những bức tranh như vậy.

"nguồn sưu tầm"

Lượt truy cập: 3093 - Cập nhật lần cuối: 01/06/2013 10:38:00 AM

Giỏ hàng