Bát Tràng cần và mong có nhà thiết kế mẫu gốm sứ

     Nếu nhìn nhận làng gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần tuý thì không cần phải bàn thêm. Nhưng nếu nhìn làng nghề này là thủ công mỹ nghệ về mặt hàng gốm sứ thì tôi so sánh nó như một xưởng may.

     Và, “xưởng may” này đang còn thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị yếu mẫu mã, hoa văn…gốm, sứ của khách hàng trong tương lai.

 

     Cần khẳng định ngay ở đây rằng: Nghệ nhân làng nghề mới chỉ là… thợ khéo tay, chứ họ hoàn toàn chưa phải là nhà thiết kế mẫu. Có lẽ vì vậy mà khi bước vào thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức cạnh tranh so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước bạn.

 

Thực tế.

 

     Thông thường, trong nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ của nước ta thì người dân làm nghề ít nhiều vẫn còn “dính dáng” đến sản xuất nông nghiệp – nghĩa là họ vừa sản xuất đồ thủ công vừa tranh thủ cấy hái khi đến ngày mùa.

 

    Nhưng, sự kết hợp này lâu nay không còn tồn tại ở làng gốm sứ Bát Tràng. Bởi, xã Bát Tràng dù nằm ở giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích 164 ha, nhưng không thế còn lấy một tấc đất để cấy lúa. Thê nên, toàn xã này có 1800 hộ dân thì có tới trên 1000 gia đình và 60 doanh nghiệp tham gia sản xuất mặt hàng gốm sứ, cho tổng thu nhập trung bình hàng năm của toàn xã là trên 300 tỉ.

 

     Từ đặc thù và những số liệu trên đây cho thấy, sản xuất gốm sứ đóng vai trò “sống còn” đối với người dân Bát Tràng. Bởi sản xuất gốm sứ ở đây vừa là nghề truyền thống mà người dân trong làng đã quen đến mức thành thục tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm, vừa giải quyết công ăn việc làm và đem lại thu nhập cao cho họ.

 

     Tầm quan trọng của nghề sản xuất gốm sứ ở đây là vậy, nhưng, qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, Bát Tràng bộc lộ một số yếu điểm buộc người ta phải nghi ngờ về tính bền vững của làng nghề này. Đó là: “Nhìn chung trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009, các doanh nghiệp ở đây mất từ 70 – 90% đơn đặt hàng của bạn hàng nước ngoài” – Ông Lê Đức Kế - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty CP du lịch dịch vụ thương mại Bát Tràng cho biết.

 

     Nếu chỉ đơn thuần mất đơn đặt hàng do khủng hoảng kinh tế thì không có gì đáng phải bàn, cái cần bàn ở đây là khi mất đơn đặt hàng, các cơ sở sản xuất ở Bát Tràng cũng mất luôn cơ hội có được mẫu sản xuất mới, vì lâu nay bạn hàng nước ngoài khi đặt hàng luôn đưa theo thiết kế mẫu của họ cho DN ở Bát Tràng thực hiện – Như vậy, bạn hàng nước ngoài chỉ cần nguyên liệu, sự khéo tay, trình độ nung gốm sứ của người Bát Tràng chứ họ không để ý đến mẫu mã đã có ở đây từ lâu đời.

 

     Thêm nữa là, gốm sứ Bát Tràng đang ngày càng bị hàng gốm sứ Trung Quốc “lấn lướt” ngay trên thị trường nội địa - thậm chí là ngay tại làng Bát Tràng trong thời điểm chúng tôi có mặt. Cô Hoàng Thị Lan - một chủ cửa hàng tại chợ gốm sứ Bát Tràng cho biết: “Không phải tất cả khách đến đây mua đều mù mờ không nhận biết hay không hiểu, chất lượng gốm, sứ của Bát Tràng làm ra tốt hơn hẳn so với hàng gốm sứ Trung Quốc có mặt ở đây. Nhưng khách vẫn thích chọn mua gốm sứ Trung Quốc vì giá thành rẻ, hoa văn sặc sỡ, bắt mắt và cầm rẻ hơn”.

 

     Người nghệ nhân Bát Tràng có đôi tay tài hoa, nhưng vẫn cần những nhà thiết kế mẫu chuyên nghiệp.

 

Chờ mong ở phía trước.

 

     Tôi đi mỏi gối, tìm đỏ mắt, không thấy có một Trung tâm hay doanh nghiệp thiết kế mẫu gốm sứ nào hiện hữu trên đất Bát Tràng. Vào một DN ở đây, hỏi về công đoạn thiết kế mẫu, tôi được chủ DN hài hước trả lời: “Việc gì phải bày đặt thiết kế mẫu cho tốn kém. Cứ ra chợ, nhìn thấy có mẫu gì mới, lạ xuất hiện thì mình về cho anh em nó làm na ná như vậy. Chỉ na ná thôi, chứ không giống hoàn toàn. Ở đây ai cũng vậy cả”.

 

     Câu trả lời này, gợi lên trong tâm chí người nghe nhiều suy nghĩ. Thứ nhất là sự “bắt chiếc na ná” đã và sẽ còn tạo ra một loạt sản phẩm mang tính “thập cẩm” – làm mất dần phong cách gốm sứ Bát Tràng. Thứ hai, nó tạo ra sức ì (ỉ lại) ở người nghệ nhân làng nghề từ đó làm mất dần tài hoa sáng tạo ở họ.

 

     Và thứ ba, đã là sản phẩm mới mà “na ná gống sản phẩm đã có ngoài chợ” thì không còn sự độc đáo, nó không thể bán với giá cao nhưng người làm ra nó cũng không muốn bán với giá bình dân vì đây là loạt sản phẩm đầu tiên trong “mẫu mới” của họ.

 

     Thêm vào đó là từ năm 2007 đến nay, theo tiếng gọi bảo vệ môi trường, đại đa số các DN và cơ sở sản xuất gốm sứ lớn ở Bát Tràng đã chuyển từ lò nung gốm sứ bằng than sang lo nung bằng ga. Mà giá ga, như đã biết, liên tục tăng. Giá ga tăng, đẩy phần chi phí sản xuất tăng, trong khi sản phẩm làm ra vẫn với mẫu mã như khi nung lò than thì chủ cơ sở sản xuất gốm sứ đứng trước rủi ro rất lớn phải đóng cửa - điều này bộc lộ rất rõ trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2009.

 

     Chủ doanh nghiệp Vĩnh Thắng từng than thở: “Việc chuyển từ sản xuất hàng xuất khẩu sang hàng nội địa khiến nhiều DN lúng túng, bởi họ đã quen sản xuất theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài với công nghệ hiện đại, chi phí cao nên giá thành sản phẩm cao. Bây giờ vẫn công nghệ đó sản xuất hàng nội địa thì không cạnh tranh được với những hộ sản xuất nhỏ vì giá sản phẩm của họ thấp hơn”. Điều này càng chứng tỏ, ở đây có một sự phụ thuộc rất lớn vào đơn hàng và mẫu mà của bạn hàng nước ngoài đưa đến.

 

     Ông Lê Xuân Phổ - chủ tịch hiệp hội gốm sứ Bát Tràng tâm sự: “Cả làng làm gốm sứ mà chưa có một trung tâm thiết kế mẫu nào. Tôi rất mong Nhà Nước giúp đỡ cho Bát Tràng có một trung tâm thiết kế mẫu, đủ khả năng kết hợp được giá trị truyền thống với hiện đại vào trong gốm sứ Việt Nam.

 

     Cùng với đó, trung tâm thiết kế mẫu cũng đủ khả năng để dự đoán trước được xu thế mẫu mã, hoa văn mà khách hàng sẽ ưa chuộm trong một hai năm tới. Có như vậy thì các DN hay cơ sở sản xuất gốm sứ ở đây mới thật sự chủ động và yên tâm sản xuất, không lo sản phẩm mình làm ra chưa kịp tiêu thụ đã bị lỗi mốt”.

Lượt truy cập: 3069 - Cập nhật lần cuối: 07/11/2011 16:36:04 PM

Giỏ hàng