Bát Tràng giá trị thật của một gốm quê

     Từ trung tâm Hà Nội, qua cầu Chương Dương, theo con đường đê phía tả ngạn sông Hồng khoảng 15km là đến Bát Tràng, ngôi làng cổ hơn 400 năm tuổi của huyện Gia Lâm, một huyện ngoại thành Hà Nội. Ở thế kỷ thứ 21, dòng xoáy đô thị có khả năng cuốn sạch mọi “dấu xưa xe ngựa” ở cả những làng quê xa ngái. Riêng Bát Tràng, vùng quê ngay sát nách Hà Thành, “hương đồng gió nội” còn lưu giữ được khá nhiều...

Gốm quê giữa cơn lốc thị trường

 

     Gốm Bát Tràng ngày nay có cả ngàn mẫu mã khác nhau. Từ các loại độc bình đủ kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc đến các loại bình dùng để cắm hoa hoặc để trưng bày trên kệ; các loại đôn, nậm rượu, đĩa, chén, bình vôi; từ các loại tách, chén uống trà nhỏ, mảnh theo phong cách Á đến các loại tách trà to, dày theo phong cách Âu, từ các loại chén dĩa ăn cơm hàng ngày đến các bộ đồ ăn đa dạng thường chỉ sử dụng trong các buổi yến tiệc Âu – Á… Hiện nay, chỉ riêng mặt hàng tách, chén uống trà, Bát Tràng đã có trên 30 mẫu mã riêng biệt.

Một số hình ảnh về ấm chén Bát Tràng

     Năm 1990, gốm sứ Bát Tràng bắt đầu chinh phục thị trường nước ngoài. Một trong vài người có công đầu trong việc đưa sản phẩm Bát Tràng đến con đường xuất khẩu là ông Hải – thương nhân người Hải Phòng. Nhận thấy làng nghề Bát Tràng với những nghệ nhân gốm sứ có tay nghề cao, sản phẩm độc đáo, ông Hải đã đặt Bát Tràng sản xuất những sản phẩm gốm sứ thủ công mỹ nghệ phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu của mình.

 

     Từ đó đến nay, gốm Bát Tràng ngày càng chinh phục nhiều khách hàng khác nhau trên thế giới. Năm 2004, doanh thu xuất khẩu của gốm Bát Tràng đạt trên 204 tỷ đồng. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện nay, gốm Bát Tràng đang ráo riết chuẩn bị cho “chuyến viễn du” sang Mỹ và các nước trong khối EU.

 

    Có chân đứng trong thị trường hàng xuất khẩu nhưng với thị trường nội địa, đến thời điểm này, gốm Bát Tràng vẫn chưa thật sự là sản phẩm quen thuộc.

 

    Theo các nghệ nhân Bát Tràng, chất thô mộc góp phần tạo nét đặc trưng cho gốm Bát Tràng. Song, cũng chính nét thô mộc này làm người tiêu dùng trong nước, nhất là người tiêu dùng phía Nam – vốn quen với các loại gốm sứ mỏng, nhẹ, bóng bẩy của Nhật (trước 1975) và Trung Quốc rồi hiện nay là các sản phẩm gốm bán công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai – e ngại; nhất là các sản phẩm gốm gia dụng.

 

     Chưa kể do sản xuất thủ công gần như 100% nên giá thành của gốm Bát Tràng luôn cao hơn sản phẩm cùng loại mang các thương hiệu khác 30%-40%. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển Bắc – Nam cao, số lượng hao hụt trên đường vận chuyển lớn… càng làm giá thành gốm Bát Tràng cao thêm, người tiêu dùng khó chấp nhận. Với ưu thế giá rẻ, sản phẩm mỏng, nhẹ và màu sắc, mẫu mã đa dạng hơn, gốm gia dụng Trung Quốc và Bình Dương đang chiếm ưu thế trên cả thị trường phía Bắc lẫn phía Nam.

 

    Tại TPHCM, có dịp dạo một vòng qua các cửa hàng kinh doanh sỉ đồ gốm sứ ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, Pasteur, Bà Huyện Thanh Quan... sẽ thấy rất rõ điều này. Các cửa hàng chủ yếu bày bán hàng Trung Quốc, hàng Bình Dương, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng nghèo nàn cả về chủng loại lẫn số lượng.

 

    Theo khảo sát, chỉ có khoảng 40% mẫu mã hiện có của gốm sứ Bát Tràng hiện diện ở những nơi này. Các chủ tiệm kinh doanh cho biết thêm: không chỉ do thói quen mua sắm của người tiêu dùng TPHCM và miền Nam mà cái chính là gốm Bát Tràng ít quảng bá thương hiệu, ít giới thiệu sản phẩm rộng rãi nên số người biết rõ sản phẩm Bát Tràng chưa nhiều.

 

     Với người thành phố, nói đến gốm Bát Tràng, mọi người thường hình dung đó chỉ là những chén dĩa giả cổ men lam quen thuộc, cũ kỹ, vài loại ấm chén uống trà, bình cắm hoa. Chấm hết! Bán chậm, các chủ tiệm ngại lấy nhiều hàng, và như vậy, càng khiến việc tiếp cận với sản phẩm Bát Tràng của người tiêu dùng thêm khó khăn.

 

Hồn gốm – giá trị thật sự

 

     Theo bà Vũ Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm xuất nhập khẩu gốm sứ Bát Tràng, Bát Tràng sẽ khó có thể sản xuất gốm gia dụng hàng loạt với giá thành thấp để cạnh tranh cùng các loại gốm sứ khác hiện đang có mặt trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

     Theo bà, thế mạnh, đặc trưng và cũng là “hồn” của gốm Bát Tràng là sản xuất thủ công, là tính độc nhất, là giá trị truyền thống, nghệ thuật riêng biệt ẩn trong từng sản phẩm. Vì vậy, không thể chạy theo việc sản xuất sản phẩm đại trà mà phải “giữ lấy đạo nhà”, chuyên chú sản xuất các sản phẩm có giá trị, kể cả là sản phẩm gia dụng.

 

     Việc xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thương hiệu cũng phải dựa trên đặc tính này mà tính toán và xác định cho phù hợp để sản phẩm có thể được tiêu thụ một cách tốt nhất. Với nghề truyền thống “ít nhưng tinh” như nghề gốm Bát Tràng, có lẽ đây chính là “lối ra” căn cơ.

 

     Quả thật, những chiếc độc bình sậm nâu màu đất đắp nổi hình rồng phượng uy nghi không một chút lòe loẹt; những chum, vại, bình hoa mộc mạc màu men lươn hay xù xì màu đất quê với vài họa tiết đơn giản hoặc một vệt màu khói bếp ám loang như ngẫu nhiên trên cổ bình, thân bình… của Bát Tràng luôn có sức quyến rũ.

 

     Mang các sản phẩm ấy về nhà, đặt chúng trong khung cảnh nào, dù sang trọng hay mộc mạc, đều tạo thành vẻ đẹp tương đồng hoặc tương phản thú vị. Gặp những khách hàng có chút tinh tế về thẩm mỹ hay sâu nặng tình cảm cùng quê nhà, sản phẩm Bát Tràng dù có cao giá một chút, vẫn rất đáng mua…

 

     Một điều đáng quý khác là với người Bát Tràng, việc giữ gìn bản sắc của làng, của nghề không đồng nghĩa với việc bảo thủ. Bát Tràng tiếp nhận có chọn lọc những thành qủa công nghiệp vào sản xuất, mà việc sử dụng lò nung bằng khí đốt hóa lỏng là một ví dụ. Người làm gốm Bát Tràng cũng không bảo thủ giữ nguyên đặc tính phổ biến của sản xuất thủ công là làm và tiêu thụ sản phẩm theo hộ gia đình.

 

     Từ năm 2002, các nghệ nhân Bát Tràng bắt đầu liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hiệp hội nghề nghiệp của mình Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng. Càng thức thời hơn khi thành viên của hội không chỉ có các hộ gia đình sản xuất gốm mà còn có cả các công ty kinh doanh gốm sứ. Người sản xuất thủ công đã hiểu rõ sự cần thiết và hiệu quả của việc phân công lao động, việc chuyên nghiệp hóa ngành nghề. Càng biết rõ lợi ích của việc mở rộng tầm mắt ra bốn phương.

 

     Thông qua Hiệp hội, người Bát Tràng tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, các kiến thức mới trong công nghệ sản xuất gốm sứ, phương thức buôn bán thời thương mại điện tử, cách thức nâng cao năng lực cạnh tranh…

 

     Mới đây, Hiệp hội gốm sứ Bát tràng cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Bát Tràng và tiến hành xây dựng thương hiệu “Bát Tràng Việt Nam - 1.000 năm truyền thống”. Thông qua các hoạt động này của hiệp hội ngành nghề, người Bát Tràng đang tích cực chuẩn bị cho gốm Bát Tràng hội nhập nhanh hơn, hiệu quả hơn nữa vào thị trường trong, ngoài nước.

 

     Về Bát Tràng bây giờ, khách phương xa sẽ thấy một Bát Tràng - làng cổ tồn tại song song với một Bát Tràng – đô thị. Truyền thống và hiện đại đan xen cả trong tư duy sản xuất, kinh doanh của người làm gốm cũng như trong diện mạo của làng gốm Bát Tràng. Âu đó cũng là một giá trị…

Lượt truy cập: 5286 - Cập nhật lần cuối: 14/09/2011 11:16:31 AM

Giỏ hàng