Bát Tràng hành trình từ đất cát

     Từ Hà Nội, vượt qua cầu Chương Dương men theo triền đê hơn 10km, chúng tôi đến với quê hương của gốm Bát Tràng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Bát Tràng xuất hiện vào thời nhà Lý (1010-1225) dân từ xã Bồ Bát thuộc tỉnh Ninh Bình đi lập nghiệp tại vùng đất mới và sau này đặt tên là xã Bát Tràng. Sở dĩ người dân Bồ Bát chọn vùng đất này là nơi để họ lập nghiệp vì ở đây có đất sét trắng, là nguồn nguyên liệu tốt để cho ra những sản phẩm gốm chất lượng cao.

Sau khi đi thăm quan một vòng quanh làng Bát Tràng, chúng tôi ghé vào một nhà sản xuất gốm. Căn nhà chật hẹp, tất cả diện tích đều được ưu tiên dành cho các dụng cụ làm gốm, sản phẩm gốm, lò nung, bể chứa nước... Chị Thu, chủ sản xuất gốm - người đã sống với nghề gốm trên 20 năm tại đây, đã cho chúng tôi biết các kỹ thuật căn bản về quy trình làm nên một sản phẩm gốm Bát Tràng.    

Công việc đầu tiên của việc tạo gốm là khâu xử lý đất sét. Ðất sét được lấy từ trong làng hay những vùng khác như Hổ Lao, Trúc Thôn (Ðông Triều), được đem về ngâm trong bể chứa nước. Chị Thu cho biết, công việc này tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận rất cao. Thông thường có tới 4 loại bể ngâm đất sét. Bể thứ nhất được gọi là “bể đánh” dùng để ngâm đất sét khô vào khoảng 3 - 4 tháng. Ðất sét sẽ phân rã ra thành những hạt nhỏ li ti (theo cách gọi dân gian là đất đã chín), người ta đánh cho thật đều thành một dịch lỏng. Sau đó, người ta cho chất dịch lỏng sang bể thứ hai gọi là” bể lắng”. Ở bể này các hạt đất sét nhỏ sẽ lắng xuống và các tạp chất sẽ nổi lên. Tiếp đó, chất dịch lỏng sẽ được tách ra khỏi các tạp chất và đưa sang bể thứ ba gọi là “bể phơi” trong thời gian khoảng 3 - 4 ngày. Cuối cùng, chất dịch lỏng được sang bể thứ tư gọi là “bể ủ". Thời gian ủ càng lâu thì đất càng tốt.

Bước thứ hai là nặn cốt, sửa hàng và phơi khô sản phẩm. Người thợ có thể chọn các khuôn in bằng gỗ hoặc thạch cao. Các sản phẩm sau khi đã lên khuôn, người thợ sửa hàng và phơi khô sản phẩm. Vừa nói, chị Thu vừa thoăn thoắt làm. Chị đặt chiếc ấm trên một bàn xoay và quay đều, chị dùng tay vỗ nhẹ vào những chỗ không cân xứng. Thỉnh thoảng chị dùng đất sét đắp vào chỗ bị khuyết hay cắt và gọt các chỗ thừa ở miệng ấm. Hoàn tất công việc sửa hàng, chị Thu bắt đầu mang sản phẩm của ngày hôm nay ra phơi. Chị Thu nói: “Vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt quá trình phơi khô sản phẩm rất mất công và tốn kém, sản phẩm phải cho vào lò sấy khô mới đảm bảo tiến độ và thời gian giao hàng cho khách”.

Bước thứ ba là quét men, chị Thu chỉ về phía gian nhà bên trái, ở đó những người thợ có tay nghề đang chăm chỉ vẽ lên những chiếc ấm. Tuỳ theo màu sắc của lớp men mà người thợ dùng thích hợp cho các sản phẩm gốm. Có 05 loại men khác nhau là: men rạn, men thô, men chảy, men trơn và men lam.

Công đoạn cuối cùng là cho gốm vào lò, trước kia ở Bát Tràng có nhiêu loại lò khác nhau như : lò bầu, lò ếch, lò hình hộp và lò ga. Nhưng giờ đây, người dân Bát Tràng chỉ sử dụng hai loại lò chính là: lò hình hộp và lò ga. Lò hình hộp xây bằng gạch chịu nhiệt cao, là loại lò phổ biến hiện nay tại Bát Tràng. Thông thường thời gian đốt lò kéo dài khoảng 3 ngày 3 đêm, và mở cửa lò để nguội khoảng 2 ngày 2 đêm.

Sau khi được cung cấp kĩ lưỡng quy trình làm gốm đầy công phu, chúng tôi chia tay gia đình chị Thu để trở về với khu phố chính, nơi trưng bày những thành phẩm của gốm Bát Tràng. Chúng tôi cảm thấy thật thú vị khi biết được hành trình của đất cát trở thành những sản phẩm gốm nổi tiếng của Bát Tràng, đất cát vô tri nằm dưới lòng đất qua bàn tay khéo léo của những người thợ, đã đi qua sức nóng của ngọn lửa để trở thành sản phẩm gốm có hồn, tên tuổi của nó đã vượt qua không gian và thời gian để đến với mọi miền đất nước và vươn ra thế giới.

Diện mạo mới của gốm Bát Tràng

Mật độ dân số tại Bát Tràng hiện nay rất cao, khoảng 2.500 người/km2. Trên địa bàn của làng có hơn 1.000 lò nung các loại đang hoạt động, trong đó có hơn 200 lò nung bằng khí ga. Mặc dù chi phí xây dựng một lò nung bằng than chỉ khoảng 20-30 triệu đồng trong khi xây dựng một lò nung khí ga lên đến vào khoảng 150 triệu đồng, nhưng hiện nay các chủ lò có xu hướng chuyển nhiều sang sử dụng lò ga. Bởi lẽ khi sản xuất một chiếc bình bằng khí ga sẽ rẻ hơn 20% so với lò nung bằng than, hay chi phí sản xuất một chiếc vại lớn bằng ga sẽ rẻ hơn 60% khi dùng lò than. Hơn nữa, sử dụng lò ga để nung sản phẩm sẽ hạn chế được lượng khí thải ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, sử dụng lò nung bằng gas còn đem lại vẻ đẹp rất riêng cho gốm sứ Bát Tràng. Mầu men của sản phẩm đều, bóng, sản phẩm chịu lực tốt hơn (có thể sử dụng để nấu nướng thức ăn trong lò vi sóng).

Trong bối cảnh nền kinh tế mở như hiện nay thì những sản phẩm như lọ hoa, ấm, chén... của Bát Tràng được làm thủ công với những mầu men giản dị như trắng, xanh tím, nét hoa văn thô sơ dường như đã lùi xa để nhường chỗ cho những sản phẩm đẹp mang tính nghệ thuật cao. Việc phục chế thành công những mầu men đẹp xa xưa như men ngọc, men lam, men rạn, men kính cùng với việc cải tiến mẫu mã và phương pháp nung sản phẩm bằng ga (thay cho nung bằng lò đất, được đốt bằng củi khi xưa) đã đem lại vẻ đẹp rất riêng cho vẻ đẹp gốm sứ Bát Tràng. Việc cải tiến này đã đem lại cho gốm sứ Bát Tràng một diện mạo mới, làm cho mầu men sản phẩm đều, bóng, sản phẩm chịu lực tốt hơn (người tiêu dùng có thể sử dụng để nấu nướng thức ăn trong lò vi sóng). Màu và chất men của gốm sứ Bát Tràng không những rất lạ, đẹp mà sản phẩm dễ rửa sạch hơn. Trong quá trình hội nhập, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, Bát Tràng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Để sản phẩm tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài, các nghệ nhân làng gốm đang nỗ lực nghiên cứu ra những sản phẩm có mầu men mới, đặc biệt như men Thuý Hồng (một loại men trước đây chỉ có Trung Quốc) cũng đã được sản xuất thành công và đưa ra thị trường những sản phẩm kiểu dáng đa dạng, chất lượng cao.

Hình thành thương hiệu

Hiện nay, làng gốm sứ Bát Tràng đã sản xuất khá nhiều mặt hàng, phong phú về chủng loại và đa dạng về kiểu dáng. Đồ gốm Bát Tràng không những có mặt trên khắp mọi miền của đất nước mà còn nổi tiếng ở thị trường nước ngoài. Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng được xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..v.v. với tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên đến hơn 40 triệu USD.

Sự phát triển của làng gốm Bát Tràng còn giải quyết được vấn đề thất nghiệp, và đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu việc làm tại khu vực nông thôn. Tại làng nghề này, hầu hết tất cả mọi người, thậm chí cả người già và trẻ nhỏ đều có việc để làm. Hơn 80% người dân trong làng sinh sống bằng nghề sản suất gốm sứ. Sự phát triển sản xuất nhanh chóng tại làng gốm Bát Tràng không chỉ tạo đủ việc làm cho người dân địa phương mà còn thu hút khoảng 3.000 - 5.000 lao động với mức lương trung bình từ 600.000đ - 700.000đ mỗi tháng ở những khu vực lân cận đến làm việc hàng ngày.

Từ tháng 11-2004, thương hiệu "Bát Tràng - Việt Nam" được công bố và chính thức quảng bá thương hiệu cho hàng gốm sứ lâu đời của Việt Nam trên thị trường thế giới. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của làng gốm Bát Tràng. Đó là một sự khẳng định vị thế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của gốm Bát Tràng trong quá trình phát triển và hội nhập với quốc tế.

Rời Bát Tràng với những sản phẩm độc đáo mang về làm quà cho đồng nghiệp, chúng tôi nuôi một niềm tin tưởng rằng gốm Bát Tràng sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, thương hiệu Bát Tràng sẽ đến từng “ngóc ngách” của thị trường quốc tế. Với đôi tay khéo léo của người Bát Tràng và công nghệ hiện đại, những sản phẩm gốm Bát Tràng chất lượng cao và đậm giá trị nghệ thuật và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước.

Lượt truy cập: 2816 - Cập nhật lần cuối: 29/08/2011 14:18:27 PM

Giỏ hàng