Bát tràng một làng gốm cổ một làng văn hóa

Bát Tràng là nơi hội tụ của nền văn hiến Kinh Bắc kết hợp với truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long. Trên 500 năm tuổi, làng gốm cổ - văn hóa Bát Tràng vẫn tràn đầy sức xuân bất tận.

Tư đào - Giáo hóa: Nhân bản của làng cổ văn hóa

 

Ngày trước, nơi đây là bãi sông rộng thuộc trấn Kinh Bắc. Con sông Cái (sông Hồng) mỗi năm lại đổi dòng, bên lở bên bồi, tạo thành bãi Trước ở mé ngoài đê Đình Dĩ. Dần dà, lạch nước bị lấp, nay thành đầm thả sen.

 

Thời gian trôi qua, nơi đất bồi có nguồn đất trắng, nên gọi là bãi Bạch Thổ. Cuối đời Lý, đầu đời Trần, đã có người đến ở, làm nghề đổ đất nung. Tuy làm công việc đất cát, nhưng không phải là nông nghiệp, nên người ta gọi những người làm nghề đó là phường thợ Bạch Thổ, sinh sống ngay trên bãi Bạch Thổ.

 

Năm 1533, Lê Trung Hưng xua  binh diệt Mạc, một số cụ thuộc 5 họ Vương, Lê, Trần, Phạm, Nguyễn ở làng Bầu Bát (Thanh Hóa) chạy ra ngoài Bắc, ở chung với phường Bạch Thổ. Các cụ xứ Thanh mang ra hai thứ quý, đó là mầm mống văn hóa vì có cụ đã đỗ tú tài và mang theo men gốm làm chum vại.

 

Nhưng cũng vì là dân ngụ cư, nên các cụ xứ Thanh không được đi thi. Hai cộng đồng dân ngụ cư của trấn Kinh Bắc và xứ Thanh cùng chung số phận, đã hợp lại thành chạ Đọi chuyên làm bát.

 

Từ đó công nghệ cứ tiến lên, thổ cư mọc theo, làng bãi sầm uất, dân cư đông vui. Cũng có thời kỳ chạ Đọi liêu xiêu, vì nguyên liệu, nhiên liệu cạn, thợ khéo chết dần, hàng nội phủ Trung Quốc tràn vào ào ạt (bát long án, chén vị thủy, đôn, chậu, bát hương...).

 

Nhưng rồi cơn lốc qua đi, chạ Đọi trụ vững và phát triển. Dân cư đông, địa danh, địa giới có rồi, lại dựng chùa để xác lập tôn giáo, nên cư dân chạ Đọi xin triều đình cho mang tên Bát Tràng.

 

Có thế, có lực, người Bát Tràng “đẩy” thợ gốm Tàu ra tận Móng Cái giáp biên, bát đĩa Tàu không còn bén mảng thị trường Kinh Bắc. Vì thế bát đĩa do người Tàu sản xuất ở Móng Cái được gọi là bát phố, để phân biệt với bát đàn của người Bát Tràng.

 

Bát đàn chính là bát làng Cậy ở chợ Sặt (Hải Dương), nơi chuyên sản xuất loại bát ăn rẻ tiền, bình dân, chuyên bán rời, không bán dây như các loại bát khác. Gọi là bát đàn là vì đàn có nghĩa như đàn lũ, dân dã; không như bát sứ, đồ sứ có nguồn gốc từ những sứ thần, người đi sứ mang theo đồ gốm cao cấp của Trung Hoa.

 

Có định cương giới, định dân số, định tôn giáo, còn phải định nguồn gốc thì mới được xây đình, mới thành làng. Trong số 5 cụ từ Thanh Hóa ra, thì cụ Nguyễn Ninh Tràng đến trước, nên người Bát Tràng lấy họ Nguyễn làm tổ.

 

Hiện nay, trong văn phả của đình Bát Tràng vẫn còn ghi rất nhiều bậc túc nho đỗ đạt. Khi dựng đình, quan đại thần Tổng trấn Bắc Hà là Nguyễn Như Viêm người Bát Tràng, khéo truyền cho dân làng đón lấy gỗ “méo” của triều đình về để làm đình (gọi là gỗ “méo”, nhưng thật ra đều là gỗ tốt, gỗ đẹp).

 

Trong số 7 câu đối chính ở đình, có một đôi ghi rõ:

 

Bội lễ phục nhân, cổ vũ tư đào giáo hóa

Túy tửu bão đức, âu ca cộng lạc thái bình

 

Tạm dịch như sau:

 

Giữ được lẽ phải, làm được điều nhân (thành người), thì phải cổ vũ hai việc tư đào (nghề gốm) và giáo hóa (dạy dỗ).

Cơm no rượu say, phải đồng cả khúc hát mừng vui yên ổn.

 

Rõ ràng các bậc tiền nhân của Bát Tràng rất coi trọng việc giữ gìn nhân cách, tâm hồn, nghề nghiệp, coi trọng đất nước hòa vui, không thù trong, giặc ngoài, xóm làng yên vui, gia đình hòa thuận.

 

Chính từ quan điểm nhân ái, nhân nghĩa đó, mà Bát Tràng sớm định thuần phong, mỹ tục, xác định hương ước. Trong hương ước của Bát Tràng có ghi rõ “tứ vật” (bốn điều không nên):

 

Đức nguyện tương khuyến, vật câu cùng đạt

Quá thất tương quy, vật vong tỉnh sát

Hoạn nạn tương tuất, vật manh lăng đoạt

Lễ tục tương giao, vật vong du việt (vạt)

 

Tạm dịch:

 

Khuyên nhau, giúp nhau cho ai nấy đều có nghề

Chớ nên để người ta sắp chết mới cứu

Có điều nhầm lỗi, chớ nên quên việc xem xét lại lỗi mình

Thương yêu giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, chớ nên lợi dụng lúc đó để cướp của người ta.

 

Mới hay cội nguồn văn hóa của Bát Tràng vẫn là tư đào, giáo hóa. Người Bát Tràng lấy lẽ phải và phong tục tốt để ăn ở, đối xử với nhau, không khinh người, cũng không vô lối vượt phận

 

Cái nền của làng nghề: Tâm - Đức

 

Người già Bát Tràng đều có chung ý kiến: Quan trọng nhất của nghề gốm là phải qua phong hóa.

 

Đất làm gốm phải đổ thành gò, thành đống, dầm sương dãi nắng, đất phong hóa thật nhuyễn, cầm lên như nhớt nheo. Công việc này chỉ có thanh niên trai tráng mới làm được. Củi đốt cũng phải xếp thành lồng cao đến 6 thước, để dầm mưa dãi nắng, ít nhất nửa năm mới bổ xuống đun. Đốt lò, củi càng thối thì lửa càng tốt. Vì thế, phải tránh các loại sung, đa, gạo, kháo, vì lắm nhựa, lửa không có ngọn.

 

Có thể nói, người thợ gốm Bát Tràng học làm nghề từ trong bụng mẹ. Dòng nào làm nối dòng đó, không sang nghề khác, nên đã tạo ra truyền thống mặt hàng, chất men đạt đến độ tinh xảo kinh ngạc. Mẹ làm, các con ngồi xung quanh xem, đứa nào cũng có vòng đeo cổ, móc đồ nghề vào đó.

 

Không ai có thể quản lý và tiết kiệm trong nghề gốm ở Bát Tràng bằng đàn bà. Nói theo kiểu ngày nay, người đàn bà đó kiêm cả giám đốc lẫn hàng chục trưởng phòng, ban bệ. Người chồng chỉ chơi dài. Người phụ nữ làm tất cả các công đoạn: vuốt, ra bát, phơi, tiện, ve cắt, làm men.

 

Sân phơi lát gạch 30 phân, dải vãn 4, 5 thước. Dẫn men phải nắng mưa. Lò xây bằng gạch lát, keo đánh bằng mật, vôi và giấy bản. Bà chủ gọi thợ vào uống nước, têm trầu, trong khi bên ngoài đã đánh vôi vào mật, chẳng sợ mất đi đến một giọt, và bàn chông hai chục đinh đập chát vào giấy bản, cũng không còn lo bị mất đi đến một tờ.

 

Bát Tràng có câu ca:

 

Thứ nhất là cỗ đám ma

Thứ nhì thả lửa, thứ ba chồng lò.

 

Vào ngày đốt lò (thả lửa), chỉ non hay già một cây củi cũng ảnh hưởng đến cả mẻ bát. Đấy là chưa kể có anh thợ nào chơi xỏ, tè vào bao là lò dột như chơi. Còn đưa bát vào lò (chồng lò) mà không cẩn thận thì chẳng những dễ sứt mẻ, mà còn dễ chín không đều.

 

Vì thế vào những lúc đó, thợ gốm đều có cơm no nê, thịt xắt miếng to ấm chân răng, rượu ngon tuyệt. Thợ bổ, thợ đóng gạch cũng ăn uống no say, làm đến 1, 2 giờ chiều mà vẫn chắc tay búa. Còn bữa ăn hàng ngày tuy không có thịt, nhưng thợ vẫn no nê, vì chủ nhà lúc nào cũng có hàng trăm vại cà, hàng chục kiệu gạo.

 

Bà chủ khéo lắm. Vào đúng kỳ lương, bà mua hàng mấy chục thúng cà để sẵn ở hiên, sẵn cả dao. Thợ đợi lĩnh lương, tiện tay cắt núm cà. Hoặc có khi cả nhà bộn bề, ngập ngụa, bà cố ý đánh rơi vài đồng xu, ai quét kỹ thì nhặt được, và nhà cũng sạch trơn... Những cái vặt vãnh đó không hề là mưu mẹo thâm ác của nhà chủ, mà chỉ nói lên một khía cạnh khéo léo về tâm lý của các “nội tướng”.

 

Phụ nữ Bát Tràng ngày xưa giàu mà vẫn có đức. Gạch, bát bán ra đều có chầu, có phụ, không lấy thêm tiền. Bát không bao giờ buộc, vì không bao giờ người Bát Tràng độn bát thủng vào giữa. Chính vì thế, bát đàn của Bát Tràng mới khác với bát phố (bát dây) của Móng Cái.

 

Người Bát Tràng còn khéo xử thế. Gặp hai người đánh nhau, người chủ giả vờ tát bốp vào má thợ mình. Anh thợ giơ tay đỡ, chợt nhận được 5 hào trong bàn tay chủ. Thành thử chủ vừa không mất người làm, vừa không phải theo hầu lên quan phủ xử.

 

Chủ có đức thì thợ cũng có tâm. Gặp ba, bốn chuyến lò bị lỗ, đến kỳ lương, thợ chỉ lấy đủ tiền gạo, để khỏi áy náy trong lòng. Cái khôn ngoan, khéo léo, cái tâm đức của người Bát Tràng, cái tài hoa của người thợ gốm đã xây dựng một Bát Tràng nức tiếng thơm.

 

Bát Tràng được xếp vào hàng nhất nhì những làng xã có nhiều người tài cao học rộng. Trước đây, Bát Tràng có 364 người đỗ đạt tú tài, cử nhân, có 9 tiến sĩ, có nhiều người làm quan to. Thuộc trấn Kinh Bắc, lại chỉ cách kinh đô con sông Hồng, nên Bát Tràng sớm tiếp xúc thẳng với triều đình, đến nỗi cả nhạc tấu, lễ nhạc cũng giống triều đình.

 

Ông đồ chờ đi thi vẫn còn giảng bài cho học trò. Bà đồ không biết chữ vẫn thuộc làu làu Kinh Thi, Luận Ngữ, giảng giải tường tận cho học trò...

 

 

Bảo tồn và tôn vinh nghề tổ

 

Bát Tràng có nhiều người đạt trình độ nghệ nhân như ông Cổn, ông Thu Dĩ, ông Vĩ, cụ Phó Xương, bà Điển, bà Phú... Nhưng cũng nhiều người không có danh hiệu gì, mà tài năng vẫn xuất chúng, trong đó có ông Trần Ngần.

 

Ông là cháu ruột cụ tiên chỉ làng Bát Tràng, đồng thời là nhà Nho học, Tây học uyên thâm, là cụ cử nhân Trần Lê Nhân, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cổ học tinh hoa”. Ông Trần Ngần thấm thía lời dạy của người bác tài cao đức trọng: “Có thể ở Âu, ở Mỹ, nhưng muốn gì cũng phải là Bát Tràng, Bắc Ninh, phải giữ cái gốc của mình”.

 

Ông Ngần chọn chân trông nom nhà thờ tổ họ Trần, tâm đắc câu tổ phụ: “Điềm đạm vô nhân kiến, niên niên trường tự thanh”. Đau đáu với nghề tổ, ông đi sâu vào nghiên cứu tạo dáng gốm. Sản phẩm của ông hầu hết là hàng độc, mỗi thứ đều mang một tâm sự, một kỳ vọng, nhưng đều mang hình tượng văn học - nghệ thuật. Đơn giản như khi tạo ra cái ấm nước hình con gà trống chẳng hạn.

 

Ông không đặt cái ấm đó lên  khay nước, bởi vì không thể để gà trống nhảy xuống ao. Vậy là ông phải đặt cái ấm - gà trống lên trên cái đĩa rồi mới bày vào khay trà. Hoặc là khi làm ra bộ ấm song trà (hai người cùng thưởng thức) có ba chữ thảo “tuyết tinh thần”, thì ông trổ một cành mai ở quai ấm, để khi uống trà có đủ cả “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, và hai người bạn tri kỷ mới “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” lý thú câu Kiều.

 

Bên cạnh bộ trà độc ẩm cũng có cành đào đi với câu thơ Xuân Hương ý nhị, còn có cái ấm xinh xinh kiểu “quan quan thư cưu”, hoặc “tụ hội tinh thần” dành cho hãm sâm. Bầu rượu thon thả, cao vút có điểm hai câu thơ của Cao Bá Quát:

 

Lắc bình rượu dốc nghiêng non nước lại

Chén tiết đàm mời rượu trước tiên...

 

Con gái đi lấy chồng, ông Ngần làm riêng cho bộ ấm chén hình trái hồng no nê mùa cưới. Cái gạt tàn thuốc lá của ông cũng độc đáo, tạo hình lư hương, khoan ba lỗ, để ba điếu thuốc không rơi, không tắt, lập lòe ấm cúng câu chuyện.

 

Ông còn nghĩ đến cả vong hồn với các bình tro hài cốt đàn ông màu nâu, đàn bà màu xanh, trẻ con màu trắng, được tạo dáng theo kinh giải thoát của nhà Phật, dáng tháp bút, thọ đường, thạp hoặc hoa sen. Bình tro có chỗ dán ảnh, đi kèm với bát hương.

 

Cái bát ăn, chén uống rượu, bên ngoài men xanh, bên trong men trắng, nhưng ông viết thêm hai chữ “bão đức”, khiến cho hạt cơm thêm ý nghĩa nhân văn, còn chén rượu không có hai chữ “túy tửu” mà thay vào đó hai chữ “ẩm hòa” nghe có chừng mực người quân tử...

 

Bây giờ, Bát Tràng cổ truyền đang chuyển mình trong cuộc sống đô thị hóa, trên diện tích đất ở và đất phát triển công nghiệp chỉ còn khoảng 50 ha là một tổ hợp 1.100 lò hộp gốm sứ của 1.233 hộ với trên 5.200 dân, hơn 2.200 lao động và 3.000 người nơi khác đến làm thuê.

 

Hàng năm Bát Tràng dùng trên 100.000 tấn đất mua từ các tỉnh, 7 vạn tấn than, hàng nghìn tấn củi... Kinh doanh phát triển đã thúc đẩy phân công lao động chuyên ngành: vận tải, chế biến nguyên liệu tinh, dịch vụ đời sống, bán sản phẩm v.v...

 

Bát Tràng đã và đang phát triển nhiều lò điện, lò ga hiện đại, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, một số công ty đã xây dựng nhà máy lớn ở các tỉnh khác, ngày càng làm cho gốm sứ Bát Tràng vươn tầm ra ngoài nước, khẳng định thương hiệu gốm cổ truyền được tôn vinh đời đời, đúng như đôi câu đối ở đình:

 

Bạch bát chân truyền nê tác bảo

Hồng lô đào chú thổ thành kim

 

Có nghĩa là:

 

Truyền nghề làm bát bùn hóa quý

Lò lửa hun đúc đất thành vàng

Lượt truy cập: 3033 - Cập nhật lần cuối: 14/09/2011 17:27:46 PM

Giỏ hàng