Xưởng gốm thủ công của nghệ nhân Phạm Anh Đạo ở thôn 2, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Ngày cuối tuần, công nhân nghỉ hết, chỉ còn mình ông chủ ngồi nặn, vuốt những chiếc chân đèn.
Chú tâm làm đến nỗi vợ nhờ đưa những mẻ sản phẩm phơi khô xuống, anh Đạo cũng không nghe thấy. Đến khi chị Trinh hét thật to anh mới giật mình đứng dậy. Đạo trả lời vợ nhát gừng và giật cục, thì ra anh bị lãng tai.
Vuốt gốm bằng tay buộc anh Đạo phải tập trung cao độ và mất khá nhiều thời gian cho mỗi sản phẩm.
Năm 1977, Đạo sinh ra chỉ nặng 1,5 kg. Trong khi cậu em sinh đôi Phạm Anh Đức lớn lên bình thường thì Đạo đau ốm liên miên, sốt cao nên phải dùng thuốc kháng sinh. Từ đó, đôi tai gần như bị điếc khiến khả năng nói và diễn đạt của anh cũng trở nên khó khăn.
Lớn lên, cậu bé Đạo thường chỉ ngồi thu lu một góc nhìn cha nhào, vuốt gốm. Người cha biết con nghe nói khó nhưng quan sát và cảm nhận được hết. Ông để cho con trai đi khắp các nhà làm gốm trong làng để xem người ta làm gốm, rồi vào Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng học nghề. Chưa đầy một năm, anh đã làm được hết những việc mà chỉ người thợ bậc cao mới làm được.
Được vài năm, anh xin nghỉ việc và mở xưởng gốm riêng. Khi đó cũng là lúc gốm Bát Tràng loay hoay trong khó khăn, gốm vuốt tay bị gốm công nghiệp lấn lướt. Thợ gốm Bát Tràng nhiều người bỏ hẳn nghề vuốt tay ngàn đời của cha ông truyền lại. Họ chuyển qua sản xuất gốm công nghiệp với những khuôn đúc cho ra hàng nghìn sản phẩm giống hệt nhau.
Anh Đạo thì không. Lò gốm của anh mỗi mẻ chỉ làm vài trăm chiếc, không có cái nào giống nhau. Mỗi khi vuốt xong sản phẩm, anh lại ngoéo chỗ này, vặn chỗ kia một ít, làm cho cái lõm, cái lồi, nước men cũng loang lổ. Người làng gốm thấy vậy thì cười chê, bảo gốm vuốt tay xù xì, xấu và dị như vậy chỉ có bán cho ma tây. Thế mà sản phẩm của anh bán cho Tây thật.
Những kiến trúc sư người Nhật xây cầu Thanh Trì thường đi tham quan gốm Bát Tràng. Họ thấy đồ gốm nhà anh lạ mắt, là sản phẩm thủ công nên thích, rồi đặt mua và giới thiệu cho bạn bè. Xưởng của gia đình anh bắt đầu khởi sắc. Nhiều cửa hàng Nhật Bản ở Việt Nam, rồi khách từ trong Nam tìm đến, đơn đặt hàng nhiều lên. Đồ gốm nhà anh xuất sang Nhật, Mỹ, thường là những bộ đồ ăn, lộc bình.
Những sản phẩm do chính tay anh làm, được phơi khô chờ mang đi nung.
Vì làm thủ công, năng suất thấp nên anh chỉ làm theo đơn đặt hàng. Sản phẩm bằng tay thường đắt gấp 4-5 lần sản phẩm công nghiệp, nhưng lợi nhuận vẫn không được nhiều. Mỗi tháng người ta cho ra lò cả chục mẻ gốm thì nhà anh chỉ được một mẻ. Mỗi chuyến hàng giá từ 20 đến 30 triệu đồng, trừ chi phí, trả tiền công nhân thì vợ chồng anh lãi 5 đến 7 triệu.
Cách đây vài năm, có vị khách người Nhật đi tham quan làng gốm Bát Tràng. Thấy anh tự tay vuốt gốm, khách mời sang Nhật để dạy nghề cho công nhân xưởng gốm của ông, nhưng anh từ chối vì khả năng nghe, nói kém. "Người Nhật cũng là những bậc thầy về đồ gốm sứ, nhưng họ vẫn thích gốm Bát Tràng của mình bởi cách tạo hình và nước men đẹp", anh cho biết.
Gốm vuốt tay giờ được xem như "cơm tám giò chả" của làng gốm Bát Tràng, chỉ còn gia đình anh và vài nghệ nhân già gìn giữ. Anh được vinh danh là nghệ nhân trẻ nhất làng Bát Tràng khi mới 31 tuổi. Trong triển lãm "Gốm và người" được tổ chức ở Tràng Tiền Plaza, họa sĩ Lê Thiết Cương đã mời anh đến biểu diễn vuốt gốm bằng tay. Ông cũng thường đến xưởng của anh đặt hàng những mẫu gốm thiết kế riêng.
Đồ gốm vuốt tay mất nhiều thời gian nên anh thường bị đau đầu khi tập trung cao độ. Nhiều hôm đang vuốt, anh bỏ đó đi chơi cho đầu óc thanh thản rồi mới về làm tiếp. Xưởng thuê 4 công nhân nhưng toàn bộ khâu vuốt, nặn sản phẩm do anh tự tay làm. Vợ anh tâm sự: "Có hôm 2h sáng, anh ấy bật dậy rồi lọ mọ ra xưởng gốm ngồi nhào, nặn những thứ mới nghĩ ra. Tôi hỏi thì anh bảo phải làm ngay nếu không những ý tưởng sẽ biến mất. Anh ấy yêu gốm còn hơn yêu vợ". Cũng vì mến tính thật thà mà cô gái làng gốm Kim Lan mới đồng ý làm vợ dù biết anh là người khiếm khuyết, nhà lại nghèo.
Hồi mới lấy nhau còn khốn khó, nhiều đêm chị Trinh bàn với chồng chuyển sang phương pháp làm gốm bằng máy nhưng anh gạt đi, bảo: "Em có làm thì làm, anh không thích". Thế là chị bỏ hẳn ý định, âm thầm ở bên chồng làm cùng anh. Chị bảo giờ cũng thấy thích đồ gốm vuốt tay do chồng làm ra, chắc vì làm nhiều nên cũng mến nó.
Anh Đạo biểu diễn tại triển lãm "Gốm và người" được tổ chức ở Tràng Tiền Plaza.
"Có lẽ vì nghe kém nên những ồn ào, những lời gièm pha của thiên hạ ít lọt vào tai mà anh ấy tập trung làm được những sản phẩm tốt hơn", người vợ bộc bạch. Chồng nghe nói không tốt, nên chị Trinh vừa là tai, là miệng của anh. Anh đi đâu xa chị cũng phải đi cùng. Lần anh Đạo đi nhận giải thưởng Công dân tiêu biểu thủ đô năm 2009, chị cũng đi theo vì sợ người ta xướng tên thì anh không biết đường đứng dậy.
Việc tiếp khách, định giá, bán hàng cũng do chị Trinh lo liệu. Anh Đạo chẳng bao giờ quan tâm đến sản phẩm bán giá bao nhiêu, chỉ biết đẹp là làm. Anh sắm Ipad chỉ để chụp lại những sản phẩm đẹp mắt mà anh nhìn thấy. Anh phục chế cả những nước men, hoa văn gốm thời Lý, Trần... rồi tự làm lộc bình, ấm tích mà anh thích. Người ngoài mua có khi anh không bán, chỉ để chơi. Dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh tỉ mẩn suốt gần năm trời mới làm xong đôi chóe cao hơn 2 m, đem cung tiến cho đình Bát Tràng và đình Kim Lan, coi như lời cảm ơn đối với ngôi làng mình sinh ra.
Mỗi lần thấy bố ngồi bên chiếc bàn xoay, cậu con trai Phạm Duy Anh 12 tuổi cũng mon men đến xem như ngày xưa anh Đạo học nghề của bố. "Nó học được nghề gốm của cha ông cũng tốt thôi, nhưng vất vả và nghèo lắm", anh nói.
(Nguồn sưu tầm)