Chợ Bát Tràng trưng bày gốm sứ "thập cẩm"

     Chợ gốm làng cổ Bát Tràng được dựng lên với mục đích chỉ để bày bán các sản phẩm của làng, nhưng nay rất nhiều gốm sứ ngoại “tràn” vào chợ.

“Thập cẩm” gốm, sứ...


     Vào làng nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng, cảm nhận đầu tiên của tôi là nhà cửa ở làng này nối nhau san sát và khang trang chẳng kém gì trong phố. Có đến trên 90% các ngôi nhà mặt tiền đều có cửa hàng trưng bày đa dạng hàng gốm sứ. Và, bên cạnh những biển hiệu chuyên hàng gốm sứ Bát Tràng, cũng có không ít cửa hiệu treo biển bán gốm sứ Trung Quốc.

 

 

Trong một gian hàng gốm sứ tại Bát Tràng, không ít sản phẩm nhập ngoại

 

     Tại “Chợ gốm làng cổ Bát Tràng”, các gian hàng sầm uất với đủ các mặt hàng liên quan đến gốm, sứ. Tò mò tìm hiểu thực hư chuyện “hàng bát nháo” như ông bạn cảnh báo, tôi đóng vai một khách tìm hiểu để ký hợp đồng mua hàng. Tại một gian hàng giữa khu vực phía bên phải cổng rẽ vào, thấy tôi muốn đặt lượng hàng lớn nhưng còn băn khoăn về hàng thật hàng giả, cô gái bán hàng tên Thảo, bảo: “Vào hàng nhà em không phải lo chuyện hàng nhái đâu”. Tôi thắc mắc: “Không có hàng nhái, sao cái thì có tem Made in Bát Tràng, cái thì không?”

 

      “Nhà em chỉ dán tem những sản phẩm lớn thôi, sản phẩm nhỏ không dán, sợ tốn thời gian và tăng giá sản phẩm” - cô gái giải thích.

 

     Thấy tôi vẫn còn băn khoăn, cô giải thích thêm: “Cách tránh hàng nhái rất đơn giản. Hàng Bát Tràng bình dân thường dày, nặng, hoạ tiết vẽ tay nên có cảm giác thô, vụng, nhưng lại là nét đặc trưng riêng. Xét về mẫu mã, hàng Trung Quốc phong phú, bắt mắt hơn, nhưng do sản xuất dây chuyền dập khuôn nên đều đều như nhau”.

 

     Mặc dù được chủ hàng giải thích cho tôi về cách phân biệt hàng thật, hàng nhái, nhưng ngay tại gian hàng này, chúng tôi thấy rất nhiều sản phẩm không có tem ghi “Made in Bát Tràng”. Thắc mắc điều này, cô chủ hàng chỉ cười nói: “Yên tâm, anh cứ tham khảo rồi đặt hàng, cơ sở nhà em sẽ cung cấp 100% hàng xịn cho anh”.

 

     Như để tăng thêm lòng tin, vừa đưa danh thiếp cho tôi, cô gái này còn “bật mí” thêm rằng “hàng nhái vẫn có tem Bát Tràng nhưng là hàng nhập từ nơi khác về, đa số là gốm, sứ Trung Quốc loại trơn (không tem) sau đó người ta dán tem vào và hấp lại”.

 

     Theo quan sát, các mặt hàng không có tem Bát Tràng thường là bát, ấm chén, ca cốc, móc chìa khoá,… đủ màu sắc, nhiều mẫu mã bắt mắt, có giá từ 10.000 - 50.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều lọ lộc bình các cỡ lớn nhỏ, tranh gốm,... cả hàng ngoại, hàng nội đang được bày bán tràn lan, công khai tại chợ này.

 

     Tại các gian hàng khác, có rất nhiều mặt hàng như lọ lộc bình, bát con, tô, đĩa, ấm chén… dù kiểu dáng khá giống nhau, được bày bán trong cùng một hàng nhưng lại có mức giá chênh nhau nhiều, thậm chí gấp đôi.

 

     Chủ hàng trong tiệm Trần Tiến, khẳng định: “Nếu có nhái là nhà làm kém nhái của nhà làm đẹp hơn thôi”.

 

     Còn người bán hàng trong tiệm Thanh Huyền hướng dẫn tôi cách “lật tẩy” hàng giả Bát Tràng: “Cứ lấy mũi dao, cạo lên tem. Hàng giả sẽ bong ra, vì tem dán ngoài men. Còn hàng thật, tem dán trong men, nên không bong, không bạc được”.

 

      Được biết, chợ gốm làng cổ Bát Tràng mới được chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004. Chợ này do Công ty cổ phần sứ Bát Tràng (Happro Bat Trang) quản lý. Tổng diện tích khu chợ khoảng 5.000m2, được bố trí khoảng 100 gian hàng, bày bán nhiều chủng loại gốm sứ đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu men, hoạ tiết. Đây là những sản phẩm tinh tuý nhất do chính những nghệ nhân, thợ lành nghề Bát Tràng sản xuất.

 

     Điều đặc biệt, chủ các gian hàng thường chính là chủ cơ sở sản xuất. Những người tổ chức chợ gốm mong muốn thông qua hoạt động này để thương hiệu gốm Bát Tràng tiếp tục khẳng định uy tín của mình và mở rộng chỗ đứng cả ở thị trường trong và ngoài nước, góp phần làm giàu cho một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.

 

     Mục đích là thế, nhưng hiện nay trong chợ đang bày bán khá nhiều hàng gốm sứ của Trung Quốc, Hàn Quốc,...

 

“Phải đa dạng để chiều khách”

 

     Bên cạnh các sản phẩm có in chữ "Made in Bát Trang" dưới đáy, còn rất nhiều sản phẩm in chữ Trung Quốc, hoặc tiếng Anh,... và không có tem của Bát Tràng đi kèm. Theo giải thích của chị Hường, chủ gian hàng Trần Tiến, đó là “do khách hàng thích những kiểu chữ đó thì in cho dễ bán”.

 

     Ngay tại gian hàng này, chúng tôi thấy nhiều bộ ấm chén kiểu trà đạo Nhật Bản, không có tem Bát Tràng, giá khoảng từ vài trăm ngàn đến hơn 2 triệu đồng/bộ, tuỳ kiểu dáng, chất liệu, phụ kiện. Chủ hàng giải thích: “Không dán tem vì màu sắc không làm nổi bật tem”.

 

     Một chủ hàng khác thì bảo: “Khách người ta thích thì mua, không nhất thiết quan tâm là hãng nào nên cứ bán thôi. Tiền nào của ấy chứ”.

 

     Sau khi đảo qua tìm hiểu các gian hàng, tôi hỏi một chủ hàng: “Sao không bán sản phẩm của làng ta mà bán cả đồ Trung Quốc, Hàn Quốc thế?”

 

      “Ôi dào, cũng có nhiều người hỏi như chú em rồi. Nhưng cái chuyện buôn bán nó thế.... Có gốm sứ Bát Tràng thì cũng phải có hãng khác để khách người ta ưng cái nào thì mua cái nấy...”. - Chủ hàng trả lời

 

Nhiều khách hàng có thói quen xem tem sản phẩm trước khi mua

 

     Bên cạnh mặt hàng chủ lực là gốm sứ Bát Tràng, các bộ bát đĩa của Hàn Quốc cũng có mặt ở nhiều quầy hàng trong chợ Bát Tràng. Đon đả mời khách, chị Thuý bán hàng tại cửa hàng Cường Thuý, đưa ra những chiếc bát nhãn hiệu "Korea style" hay "Bone porcelain".

 

     Chị giới thiệu, đó là sản phẩm liên doanh với Hàn Quốc nên có chất lượng men sáng bóng, đẹp tinh xảo như thế, nhưng giá chỉ đắt hơn từ 2.000 đồng - 10.000 đồng/sản phẩm (hoặc bộ sản phẩm) so với hàng của làng nghề.

 

     Theo các chủ kinh doanh, nhu cầu khách đa dạng nên bày thêm hàng ngoại nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc để chiều khách. Tuy nhiên, cùng sản phẩm bát ăn cơm "Bone porcelain", sang cửa hàng Nguyệt Minh, lại được người bán hàng giới thiệu đó là hàng “chất lượng cao của Bát Tràng”.

 

     Tới gian hàng Tuấn Phong, tôi đang hỏi chị Bích (chủ hàng) về chuyện hàng thật, hàng giả, thì người đàn ông bán hàng bên cạnh tiến lại, khoe: “Nói chuyện thật giả, phải người trong nghề mới hiểu. Nhưng có điều, khách nước ngoài họ tinh lắm. Hàng Trung Quốc họ không xem, không mua đâu. Họ tìm bằng được hàng dày, nặng, thậm chí hoa văn trông mộc mạc như hàng của Bát Tràng ngày xưa thì họ thích lắm”.

 

     Nói rồi, ông giơ cái lọ đựng hương lên bảo: “Cái này chỉ 60.000 đồng/chiếc thôi. Nhưng cũng như này, cái kia 160.000 đồng/cái. Tiền nào của ấy”.

 

- “Thế trong hai cái, cái nào của Bát Tràng, vì không thấy tem nhãn gì cả” – tôi hỏi.

 

- “Cái tem cũng chỉ đánh giá được phần nào thôi...” – người đàn ông này cười.

 

     Đem những trăn trở về sự “hỗn tạp” gốm sứ trong chợ này, tôi tìm hỏi ông Nguyễn Văn Mùi, Phó Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng. Ông Mùi bảo: “Đúng ra, quy định là Chợ gốm làng cổ Bát Tràng chỉ dành để bán gốm sứ của làng nghề Bát Tràng và tất cả các sản phẩm của làng nghề phải được dán tem tên thương hiệu Bát Tràng dưới đáy sản phẩm.

 

     Tuy nhiên, không có quy định mang tính pháp lý bắt buộc. Vì thế, dù Hội đã khuyến cáo các hộ sản xuất phải dán tem thương hiệu của mình, nhưng nhiều hộ còn nhận thức chưa đúng về lợi ích việc dán tem, nên dán tem chưa triệt để”.

 

     Trước khi rời Bát Tràng, tôi tìm gặp nghệ nhân gốm sứ Trần Độ trong làng và đặt câu hỏi về cái lợi và hại của việc bán hàng “ngoại” trong chợ gốm Bát Tràng, ông Độ còn đang tất bật chuẩn bị cho lễ cúng ông tổ nghề, nên chỉ bảo: “Đó là vấn đề mưu sinh, khó nói”(!).

 

     Câu trả lời của ông Độ khiến tôi càng thắc mắc, chẳng lẽ trong khi người ta tìm cách giành giật và phát triển thị trường, bảo vệ thương hiệu của mình thì tại đây, chỉ vì mưu sinh, vì lợi nhuận trước mắt mà làng nghề đành chấp nhận để hàng ngoại ngang nhiên “ngồi” trên các giá hàng trong chợ gốm làng cổ Bát Tràng nói riêng và trong không ít cửa hàng gốm sứ tại làng Bát Tràng hiện nay?

Lượt truy cập: 6212 - Cập nhật lần cuối: 14/11/2011 08:51:00 AM

Giỏ hàng