Lư hương có kích cỡ trung bình, được làm từ gốm nguyên chất phủ men xanh do nghệ nhân ưu tú của làng là ông Trần Độ làm. Trên mỗi miệng lư hương có 2 con kỳ lân đứng châu đầu vào nhau. Bên cạnh thân có khắc hình các cặp rồng chầu mặt trời. Và có 2 dòng chữ hán là “Quý Tỵ Niên Mạnh Xuân Giáp Nhật” (nghĩa là được làm trong mùa xuân năm Quý Tỵ 2013, vào ngày tốt); và “Bát Tràng Hà Nội” là niên hiệu của tên làng gốm.
Lư hương vua Nguyễn mà làng Bát Tràng tặng Huế
Theo TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: “12 lư hương rất tinh xảo và đẹp được làm từ mẫu do Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp. Hiện các mẫu lư hương triều Nguyễn như thế này không còn ở Huế nữa, cho nên được đón nhận lư hương để dâng lên các tiên đế vua Nguyễn là việc làm hết sức quý của nghệ nhân Bát Tràng dành cho Huế. Trung tâm chúng tôi sẽ bàn bạc, tìm chỗ để đặt các lư hương đúng ý nghĩa của nó nhất”.
Cụ Lê Văn Cảo, Chủ tịch Hội nghề gốm Bát Tràng cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia nhiều lần Festival làng nghề Huế và đã được ban tổ chức công nhận là 1 làng nghề tiêu biểu tại Việt Nam. Bát Tràng đã nổi danh từ xa xưa với gạch. Từ Hoàng thành Thăng Long cho đến các móng thành nhà Lý-Trần đều được làm từ gạch Bát Tràng, qua gần hàng nghìn năm vẫn còn tồn tại.
Và ngay ở Kinh thành Huế, nơi Thế Miếu mà chúng ta đang đứng, gạch cũng từ Bát Tràng. Vua Tự Đức đã tặng làng chúng tôi 4 chữ “Hiếu Nghĩa Quốc Công” để ghi nhớ việc làng đã góp sức trong việc góp gạch xây Kinh thành Huế và các lăng vua. Tiếp đến là các sản phẩm gốm mà hiện nay ở Đại Nội vẫn còn rất nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm thêm nhiều sản phẩm, công trình để đóng góp thêm cho di tích Huế”.
Đại diện các nghệ nhân làng Bát Tràng (bên phải) tặng lư hương cho đại diện cố đô Huế - TS. Phan Thanh Hải, GĐ TTBTDTCĐ Huế (mặc áo dài khăn đóng xanh)
Các lư hương rất tinh xảo
Dòng chữ trên tai lư hương "Quý Tỵ Niên Mạnh Xuân Giáp Nhật". Quai ở thân lư ghi "Bát Tràng Hà Nội"
Rồng và Lân trên miệng lư hương
Nghệ nhân Trần Độ (trái - người chế tác 12 lư hương) và "già làng" Lê Văn Cảo (giữa) bên các lư hương dâng tặng vua Nguyễn
Nền ở Thế Miếu (ảnh) cũng như nhiều nơi khác trong Kinh thành Huế và lăng vua Nguyễn hiện vẫn lưu dấu loại gạch Bát Tràng một thời được dùng để xây dựng cho vua, quan ở Huế
Nguồn: Dân Trí