Men gốm sứ Bát Tràng

     Mãi đến giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi cái ám ảnh về những xúc cảm dữ dội từ anh mỗi khi nhắc đến vẻ đẹp khác biệt và phong phú của men gốm Bát Tràng. Tôi buộc phải dùng từ "ám ảnh", bởi bằng mọi cách, đã không lý giải nổi vì sao một người chưa từng đặt chân lên đất Bát Tràng mà lại trân trọng khả năng sáng tạo cùng nỗi nhọc nhằn đầy tự nguyện của những người con làng gốm đến thế.

     Hôm ấy, từ miệt vườn sông Hậu, anh gọi cho tôi rất sớm. Vẫn cái chất giọng vừa chắc nịch vừa pha chút miên man của một người mạnh mẽ mà đa cảm (cái chất giọng khiến tôi "mê" anh từ thời cùng nhau dọc ngang trên đất Chùa Tháp), anh hẹn tôi đón ở sân bay Nội Bài và ngay sau đó về thăm làng gốm. Rằng, anh muốn được thấy từng nước men gốm sứ Bát Tràng phô hết vẻ đẹp trong lập lòe ánh nến. Ấy là vẻ đẹp đã nung nấu trong trí tưởng tượng của anh từ trước và nó cứ thôi thúc anh bao năm trời...

 

     Không thể khác, tôi chỉ biết làm mọi việc có thể để đáp ứng chừng nào cái mong ước từng ấp ủ trong anh. Nhưng buổi tối hôm ấy, ngay sau khi tay bắt mặt mừng, tôi muốn khuyên anh để hôm sau mới thực hiện chuyến đi với một lời giải thích: Trong bất cứ ánh sáng nào, men Bát Tràng cũng toát lên vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Anh không chịu. Và, với vẻ mặt đầy bí ẩn, anh như muốn "thức tỉnh" tôi. Một thoáng tự trách mình, tôi muốn tự vấn rằng, có phải xa thương gần thường mà đã bao lần qua lại làng gốm, sao tôi không có được cái khát như anh. Để rồi trong chuyến đi có phần miễn cưỡng ấy, tôi chợt phát hiện thêm một giá trị khác từ những nét đẹp vốn được mặc định lâu nay trong tiềm thức tôi cũng như bao người.

 

     Từ một làng cổ nằm khuất nẻo bên sông Hồng, nay Bát Tràng không khác một trung tâm giao thương là mấy. Mới hiểu vì sao bạn tôi muốn về thăm làng gốm trong đêm. Anh muốn mượn cái ảo mờ tĩnh lặng hiếm hoi kia để gợi về chút dáng cổ xưa, dù chỉ trong ý niệm. Nghĩ vậy, tôi đã đưa anh đến thăm một trong những "đại thụ" của làng.

 

     Sinh ra và lớn lên trên đất gốm, ngay từ năm 13 tuổi, Lê Văn Cam đã vật lộn với nghề truyền thống. Phải chăng cái hồn của đất sét trắng, cái độc đáo của mầu men xanh, men rạn đã ngấm vào huyết mạch nghệ nhân từ thuở ấy? Nó lý giải vì sao giới am hiểu gốm Bát Tràng ngày nay gọi cụ là người hóa mầu cho men cổ hồi sinh. Sáu chục năm gắn bó với đất, với lò, với men; say mê, mày mò tìm lại công thức men rạn đã thất truyền, đến giờ cụ đã cho ra lò hàng vạn sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao. Năm 1987, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công men gốm phục chế chân đèn thời Mạc và hai loại men gốm rạn cổ, cụ được thành phố Hà Nội công nhận là nghệ nhân và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo.

 

     Trong căn phòng đượm mầu men cổ, nghệ nhân Lê Văn Cam đã dẫn chúng tôi đi từ miền xa ngái nhọc nhằn đến vị thế đầy kiêu hãnh hôm nay. Gần 600 năm hình thành và phát triển, làng gốm lâu đời này không những nổi tiếng nước Nam mà từ lâu đã được các lái thương Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp... tìm mua với số lượng lớn và hiện đứng vững trên thị trường thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái-lan... Căn cứ vào nhiều đồ thờ quý giá ở những đình, đền, chùa, miếu có ghi tên tuổi những người cúng tiến và thời gian chế tác, thì gốm Bát Tràng cực thịnh vào thế kỷ 16, 17, nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men mầu búp dong, loại men này sắc độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Đặc biệt là hai loại men lý, men nho, tựa như mầu ngọc thạch, nên được gọi là men ngọc. Thì ra "nhất nho, nhì lý" là của riêng Bát Tràng. Và câu nói truyền miệng mang tính "thương hiệu" ấy không chỉ nhằm ca ngợi thứ đặc sản của quá khứ vinh quang, mà còn như một lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay gắng sức tìm lại giá trị ông cha đã đạt được.

 

     Cụ Cam bảo: "Gốm Bát Tràng thể hiện được bản sắc riêng so với các loại gốm khác bởi dáng vẻ thoáng đãng, men mầu tự nhiên, phóng khoáng, tạo được độ trong và sâu".

 

- Nhưng, thưa cụ, qua hàng trăm năm như vậy, liệu những bí mật về mầu men Bát Tràng có bị lọt ra ngoài? - Anh bạn tôi vẻ lo lắng thật sự, trong khi người nghệ nhân già cười sảng khoái:

 

- Men là bí quyết! Nó là loại độc đáo chỉ có duy nhất ở Bát Tràng. Vì thế mà các cụ ra đi, mang theo hết cả. Khó hơn là ông cha ta xưa chỉ dựa vào kinh nghiệm mà pha chế chứ không ghi ra thành công thức...

 

- Bởi vậy mà từ lâu nhiều người đã dày công nghiên cứu để làm sống lại loại men này, nhưng không thành công?

 

- Đấy đấy, cái khó chính là chỗ đó...

 

     Chợt như nhớ ra điều gì, cụ ngắt ngang câu chuyện, dẫn chúng tôi lại bàn trà. Qua cái nhìn xa xăm dưới hàng mi bạc, cụ chậm rãi, tiếp:

 

- Nhưng khó hơn cho các anh chị sau này, là làm sao vừa giữ được cái chất cổ xưa, để mỗi mầu men của ông cha không bị mất đi, mà lại phải biết cải tiến, bổ sung cho hoàn chỉnh hơn...

 

     Rồi, trong niềm tự hào không giấu giếm, cụ Cam còn giảng giải cho chúng tôi khá kỹ về các dòng men. Rằng, gốm Bát Tràng có năm dòng men đặc trưng, thể hiện qua mỗi thời kỳ khác nhau, tạo nên những sản phẩm khác biệt. Khởi đầu là men lam với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen sẫm. Men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống và được vẽ theo kỹ thuật men lam. Men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, men này mỏng, mầu vàng ngà, bóng thích hợp với các trang trí tỉ mỉ. Men xanh rêu được kết hợp với men trắng ngà và nâu, tạo ra một dòng rất riêng. Còn men rạn là dòng chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỷ 16...

 

     Sau khi siết chặt tay nghệ nhân Lê Văn Cam, anh bạn tôi trở nên trầm tư hẳn. Tôi hiểu anh đang nghĩ gì. Ánh sáng men Bát Tràng dường như có khả năng dẫn dắt trí tưởng tượng con người đến những nẻo suy niệm đầy mê hoặc mà ở mỗi nhánh cành khác biệt đó ta như thấu tận cái nồng hậu và sắc vị những giọt mồ hôi lắng đượm phù sa châu thổ sông Hồng. Và dường như trong cái lập lòe ẩn hiện kỳ bí đó, tâm hồn ta được thanh lọc hơn để có thể cảm nhận sâu hơn, trọn vẹn hơn cái đích thực của mỗi ánh men được cất lên và chắt ra từ giọt giọt mồ hôi, từ mặn mòi nước mắt! Và phải chăng, khi những nhọc nhằn và tâm huyết kia đã thấm sâu trong mỗi ánh men, người thưởng thức "cái đẹp từ đất" ấy dường như thấy lòng thanh thản hơn, đỡ day dứt hơn, đỡ thấy mình có lỗi hơn khi phải trực diện với những giọt mồ hôi và nước mắt ướt đằm trên gương mặt nghệ nhân?

 

     Những ý nghĩ đưa tôi đến trước phòng gốm của nghệ nhân Trần Độ tự lúc nào. Làm gốm từ năm 10 tuổi, đến nay, ở tuổi 53, anh đã có nhiều tác phẩm hội tụ tinh hoa truyền thống và đổi mới. Năm 2003, Trần Độ được trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội".

 

     Anh là tác giả của 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, anh là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cũng những "món đồ đất có hồn" này, sau đó đã theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Ca-na-đa làm quà cho các chính khách nước sở tại. Rõ ràng, đó không chỉ là niềm tự hào Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất.

 

     Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có hơn 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, anh có tới mười hai công thức khác nhau, tạo ra mười hai biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... Đặc biệt là men nâu trầm rất lạ, chưa từng thấy ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, anh đã phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê như lư hương, chân đèn, bình, lọ, chum, chóe, bát đĩa được thể hiện qua các lớp men rạn, men chảy các mầu trắng, nâu, xanh ngọc... mà vẫn giữ được những hoa văn cổ với chất men giản dị và thanh thoát.

 

     Có thể nói, gốm Trần Độ hội tụ các tinh hoa của gốm Bát Tràng, vừa mang tính dân tộc, vừa có sự cách tân, đổi mới. Trong các tác phẩm của nghệ nhân này, dễ thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, men nhiều mầu thời Hậu Lê - Nguyễn và sau đó là gốm men rạn...

 

Không giấu nổi vẻ kinh ngạc, anh bạn tôi chỉ biết thốt lên:

 

- Anh đã làm thế nào?

 

Trần Độ cười, khiêm nhường:

 

- Có mỗi cách là đào sâu nghiên cứu thôi. Còn nếu chỉ thuần túy dựa vào công thức thì không thể có được những sản phẩm đa dạng như vậy.

 

- Nhưng, thật sự, anh đã làm thế nào?

 

Một câu hỏi lặp lại đầy bất lực. Tôi thấy ái ngại cho bạn mình. May sao, là người ngại nói về mình (dường như những tài năng thật sự đều thế cả), song trước những xúc cảm hết đỗi chân thành ấy, Trần Độ không thể cầm lòng. Anh đã nói về những gì mình lĩnh hội được từ sự tinh túy qua ngàn năm tổ tiên đúc kết. Rằng những bí ẩn của men, những đường nét tạo hình, khắc khối... đâu có nằm ở nơi nào xa xôi.

 

     Nó nằm ngay bên ta, hồn hậu và dung dị, chỉ cần ta luôn biết trân trọng và nâng niu vốn tài sản vô giá muôn đời mà cha ông để lại. Và từ đó, men không chỉ được tạo ra qua tháng ngày lao động miệt mài. Nó được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn trong lúc tỉnh, lúc mơ như một thứ sắc mầu của ảo ảnh, phải nhìn bằng cõi lòng sâu thẳm tinh khôi mới thấy hết những cao siêu, thoát tục của nó. Trong ngôn ngữ men của Trần Độ, điều mà nhiều người cảm nhận được là mầu sắc của Phật giáo. Đó là một thứ ngôn ngữ thoát tục đấy mà trần tục đấy, rõ là sắc mầu của đời thường mà cũng chập chờn như cõi hư vô...

 

     Hôm ấy, cứ sau mỗi lần được tiếp xúc với một nghệ nhân cùng những đặc phẩm của họ, anh bạn tôi thường phải lặng đi một hồi lâu rồi mới đưa ra lời chia sẻ... đầy bất lực. Và tôi, có cái gì như muốn hát lên. Bằng sự đồng cảm tuyệt vời cùng trái tim luôn ngân rung vì cái đẹp, những nghệ nhân tài năng và tâm huyết của Bát Tràng sớm nhận thấy và lĩnh hội tinh túy cha ông ngàn năm đúc kết.

 

     Với họ, nghề gốm không phải là con đường mưu cầu danh lợi vật chất mà là sự thỏa mãn khát vọng vực dậy dòng gốm cổ đang chìm dần vì sự "đè nén" của dòng gốm thương mại đang tung hoành. Nghệ nhân Trần Thiện nổi tiếng bởi men rạn rễ cây, men ngọc lam rạn như chạm khắc. Nghệ nhân Hùng Hiển đã không để ai qua được tài chế tác men chảy thủy tinh đổ trên đồ gốm sứ nung hơn 1.350 độ C. Nghệ nhân Trần Hợp nổi tiếng với hai nước men kết tinh và huyết dụ. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng chuyên về các loại men mầu thương hiệu "Hồn Đất Việt" rất đặc trưng. Nghệ nhân Tô Thanh Sơn phục chế gốm men lam thời Nguyễn và pha chế thành công men rạn hiện đại.

 

     Sau 15 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Tô Thanh Sơn đã thành công với loại men rạn (rạn từ xương gốm) vốn thất truyền ở Bát Tràng hàng trăm năm nay. Nghệ nhân Đào Văn Can đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt... Những nghệ nhân ấy đã không chỉ góp sức giữ bền ngọn lửa trong mỗi lò gốm, mà quan trọng hơn, đã thắp sáng và lan tỏa niềm đam mê cùng khát vọng sáng tạo với một lòng kiêu hãnh mang tên Bát Tràng. Và như vậy, đúng như đánh giá của UNESCO, họ xứng đáng là những báu vật nhân văn sống - những con người đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cuộc đời.

 

     Là nghệ sĩ đích thực, mỗi nghệ nhân đều mang trong mình tính cách riêng. Bởi vậy, những giá trị được kết nên từ khả năng sáng tạo và nỗi nhọc nhằn không giống nhau ấy như có sức tố cáo cái hời hợt và sự giả trá của người đứng trước nó. Ai đó nói, hãy nhìn thế giới trong một hạt cát. Ở đây, tôi đang nhìn thế giới trong cái rộn rạo của mỗi ánh men nồng đượm chân chất hồn cốt Bát Tràng. Thời gian cứ trôi đi mang theo thậm chí cả bao điều tiếc nuối. Song, những men nâu men rạn kia như có khả năng níu giữ và làm sống dậy những giá trị từ vô cùng vô tận sức sáng tạo con người trong niềm cảm phục trọn vẹn về cái đẹp vĩnh hằng được cất lên từ không chỉ mồ hôi, mà cả máu.

 

Lượt truy cập: 3814 - Cập nhật lần cuối: 11/10/2011 19:23:57 PM

Giỏ hàng