Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn

     Sinh năm 1964 nhưng nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn người làng Bát Tràng đã có gần 40 năm gắn bó với nghề gốm. Anh là người đã pha chế thành công loại đất làm ấm Tử Sa không thua kém chất đất ở Nghi Hưng- Giang Tô- Trung Quốc, nơi ra đời chiếc ấm Tử Sa huyền thoại.

     Hướng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn đã dâng lên đại lễ hai tác phẩm: Vò Rồng và Bình chạm khắc hoa văn thật độc đáo.

 

Duyên nợ ấm Tử Sa

 

     Bây giờ về làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) hỏi tìm mua một bộ ấm Tử Sa không còn là “xưa nay hiếm”. Một người dân tiết lộ: “Muốn hiểu rõ về ấm Tử Sa chú cứ đến nhà ông Vương Tuấn là biết hết”. Đường về làng gốm quanh co, đâu cũng thấy màu trắng tinh của gốm, sành, sứ, mùi ngai ngái của đất nung phả ra. Tìm đến nhà ông trưởng họ Vương không khó lắm. Người qua đường hễ đi qua trước cổng thấy hàng trăm bộ ấm chén phơi trước sân cũng đoán được chủ nhân quả là người chuyên về một món: trà đạo.

 

     Dáng người gầy, mảnh khảnh, đầu đội mũ phớt trắng, tay vân vê điếu thuốc lá, hiện nét phong trần nghệ sỹ, Vương Tuấn cho biết: “Trước đây để có trong tay một bộ ấm Tử Sa người mua phải bỏ tiền đặt hàng tận Trung Quốc, nhiều khi còn mua phải hàng giả. Bây giờ không cần sang Giang Tô nữa, ở Bát Tràng cũng có ấm Tử Sa”.

 

     Dẫn chúng tôi vào xưởng sản xuất gốm đang rào rào tiếng máy quay đất, bên trong cả chục người thợ vẫn miệt mài cho ra đời những bộ ấm Tử Sa đã được đặt hàng. Ông Tuấn cho biết: Sở dĩ ấm Tử Sa quý hiếm, được người đời trân trọng là bởi ấm, chén Tử Sa khi soi lên thấy ánh cát lấp lánh, gõ kêu như chuông, ấm giả thì âm thanh kêu đục, dùng lâu bị thấm ẩm ra ngoài. Người mê trà đạo, thích phong cách cổ kính rất quý mến loại ấm độc đáo này. Đặc biệt màu men của gốm do tự đất sinh ra, nung ở nhiệt độ cao, cứng như đá, càng dùng càng bóng, màu sắc nâu bóng như đồng. Nói thì đơn giản vậy nhưng để có được thành quả ấy đó là công sức cả một đời của nghệ nhân trẻ tuổi này.

 

     Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn sinh ra tại Bát Tràng, mảnh đất có truyền thống gốm sứ lâu đời. Ngay từ khi lên 10 tuổi theo bố và các chú trong làng đi quay đất, nặn gốm mà anh cứ mê mẩn hết cả người. Ngày nào Tuấn cũng tự mày mò đắp nặn từng khối đất sét thành những sản phẩm riêng cho mình như: con heo đất, chiếc ấm, nồi đất, chiếc điếu...

 

     Năm 1978 anh bắt đầu vào làm công nhân cho phân xưởng mỹ nghệ của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Năm 1988 Vương Tuấn bắt đầu mở lò gốm ở nhà. Người dân trong làng lo ngại cho anh, có người cho là anh liều lĩnh, bởi lúc đó anh chưa qua một trường lớp đào tạo nào về gốm sứ. Tuấn giải thích rằng: đã là nghề truyền thống của cha ông thì phải giữ lại cho bằng được.

 

     Điều quan trọng của người làm gốm là phải có tư duy hình khối nghệ thuật và sự đam mê hiểu biết về chất liệu. Khác với mọi người trong làng chỉ chuyên về khâu sản xuất, thì Tuấn lại đi tìm chất liệu mới, đó là đất. Suốt một thời gian dài Tuấn lang thang khắp nơi, hễ cứ nghe ở đâu có gốm sứ là anh có mặt, từ Phù Lãng, Quế Quyển, Chu Đậu, đến tận Nghi Hưng, Giang Tô (Trung Quốc)… Lần nào đi về Tuấn cũng mang theo một ít đất để tìm hiểu nghiên cứu chế tạo chất liệu.

 

     Tuấn tiết lộ: đất làm ấm Tử Sa được lấy ở Quế Quyển (Hà Nam), nhưng quan trọng là cách thức pha chế, kết hợp với các loại đất khác để có độ dai, độ dẻo, bền lâu như chất đất ở Giang Tô. Đất đạt yêu cầu làm ấm Tử Sa phải chịu được nhiệt độ nung cao đến 1200 độ C.

 

     Ấm Tử Sa của Vương Tuấn vừa tung ra thị trường đã nhanh chóng được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, bởi chất liệu mới lạ, mỹ thuật hình khối tinh xảo, đặc biệt càng dùng càng bóng và lên nước men độc đáo nhờ mồ hôi tay người. Ấm Tử Sa ở Bát Tràng có nhiều chủng loại khác nhau với giá thành từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/ bộ mà chất lượng không thua kém gì ở Giang Tô.

 

Hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội

 

     Với ý tưởng sáng tác mẫu sản phẩm dâng lên Đại lễ Vương Tuấn có hai tác phẩm: Bình chạm hoa văn và chiếc Vò rồng. Chiếc Vò rồng có chiều cao 1m50, sử dụng chất liệu men rạn truyền thống và đắp nổi rồng uốn lượn, nổi lên từng chiếc vẩy, từng ngón chân sắc nhọn, tượng trưng cho khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Vương Tuấn cho biết: hình tượng con rồng luôn là tâm điểm trong sáng tác của mình, nó tượng trưng cho tâm hồn và suy nghĩ cao thượng mà chúng ta hằng ước mơ.

 

     Chiếc bình chạm hoa văn cao 1m3 lại thể hiện tích cổ, tất cả các chi tiết khắc và đắp nặn đều được thao tác bằng tay, rõ nét tinh xảo đến từng vân chữ. Giữa bình được chạm khắc bài thơ: Sấm ngôn. Ông Tuấn cho biết: đây là bài thơ được truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân ngày xưa, với nội dung ca ngợi công lao to lớn của các vua đời Lý sau khi dời đô về Đại La. Hướng về cội nguồn dân tộc để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao của cha ông, đó chính là cảm hứng sáng tác, là tấm lòng thành kính mà nghệ nhân họ Vương hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cả hai sản phẩm trên đều được tạo nên từ chất liệu men truyền thống.

 

     Là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong làng, Vương Tuấn nói về mình vẻ khiêm tốn, thế nhưng ai cũng hiểu tên tuổi anh đã gắn liền với chất men làm ra chiếc ấm Tử Sa. Anh bảo rằng: “Tôi vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo những chất liệu mới, những tác phẩm mới, để thỏa lòng mình và để gốm sứ Bát Tràng sống mãi với thời gian lịch sử”.

Lượt truy cập: 7795 - Cập nhật lần cuối: 16/09/2011 14:53:23 PM

Giỏ hàng