Ngôi nhà cổ độc nhất ở làng gốm Bát Tràng

     Làng Bát Tràng (Hà Nội) được người ta biết đến với nghề gốm cổ truyền nổi danh, nhưng ít ai biết rằng ở đây còn có một ngôi nhà rất “đặc biệt". Nó nằm thụt sâu dưới lòng đất tới 4 - 5 mét so với các ngôi nhà khác...

Nền đất Bát Tràng xưa…

 

     Qua cây cầu Long Biên cổ kính rồi men dọc theo bờ đê sông Hồng, qua khu di tích đình chùa Thổ Khối là tới ngôi làng Việt cổ 1.000 năm tuổi, đúng bằng lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

     Làng Bát Tràng bây giờ rộng mênh mông với la liệt cửa hàng gốm sứ sang trọng, la liệt biển hiệu công ty gốm sứ xen lẫn những cửa hàng bán lẻ. Những ngôi nhà ngói cổ giờ không còn nhiều.

 

     Trong khu nhà cổ nhất ở đây có một ngôi nhà còn vẹn nguyên nếp nhà xưa với những hàng cột gỗ cao lớn, những mái kèo, mái cột uốn lượn và cả nếp mái ngói ta rất ấn tượng. Ấy là nơi duy nhất người ta có thể chứng kiến được dấu tích thời gian trên nền đất làng Việt cổ xưa.

 

     Ngôi nhà nằm lọt sâu 4 - 5 mét so với nền đất làng Bát Tràng ngày nay, trông như một hầm sâu giữa những tòa nhà xung quanh. Đó chính là nền đất của làng Bát Tràng xưa. Khuôn viên ngôi nhà cổ rộng chừng gần trăm mét vuông ấy là chứng tích duy nhất còn sót lại của nền đất làng Bát Tràng xưa. Ngôi nhà "độc nhất vô nhị" ấy chính là nhà của cụ Phùng Thị Cá, năm nay đã gần 90 tuổi.

 

     Ngày còn trẻ, cụ Phùng Thị Cá công tác ở Cục Đường sông. Những năm 1975, bà Phùng Thị Cá công tác ở xí nghiệp Bát Tràng cho đến năm 1980 thì về hưu. Sau khi người cha mất, bà tiếp tục ở trong ngôi nhà và trông nom hương hỏa cho đến ngày nay. Người làng vẫn thường gọi cụ bằng cái tên thân mật "cụ Cá".

 

     Nhà cụ Cá bây giờ trông như một cái "hầm", lọt thỏm giữa nền đường. Những ngôi nhà ngói xung quanh cũng trở nên cao chót vót so với ngôi nhà của cụ. Chỉ tay vào cái sân gạch đầy rêu, cụ bảo: "Đấy là nền đất của làng Bát Tràng cổ xưa, trước đây nền nhà cụ cũng như nhiều nhà cổ khác nằm bằng nhau, nhưng rồi đất thừa, đồ gốm phế phẩm cứ thế tôn cao nền làng lên và bây giờ thì nhà tôi nằm sâu dưới mặt nước sông Hồng đến vài ba mét".

 

 Ngôi nhà cổ nằm lọt thỏm dưới lòng đất.


 

Bức hoành phi vẫn óng ả sau gần 200 năm.


 

 Mái kèo, mái cột vẫn nguyên vẹn như xưa.

 

Ngôi nhà gần 200 năm tuổi

 

     Ngôi nhà nằm lọt sâu dưới nền đất làng gần 5 mét, lối vào nhà duy nhất là bậc thang xây gạch bắc từ nền đất cao xuống tới khoảng sân trước nhà. Có lẽ đây là ngôi nhà cổ độc đáo nhất trong các ngôi nhà cổ miền đồng bằng Bắc bộ khi nền nhà nằm sâu cùng với mực nước sông Hồng. Cùng với thời gian, ngôi nhà nằm giữa làng Việt cổ như một chứng tích cho kiến trúc, đất làng, nghề làng thuộc hàng cổ nhất trong các làng nghề xung quanh kinh thành Thăng Long xưa…

 

     Ngôi nhà "hầm" cổ bây giờ cứ chớm mưa là ngập. Khoảng sân gạch trước cửa nhà thì thường xuyên bị nhấn chìm trong nước mỗi khi có mưa xuống. Trận mưa lớn tuần trước, nước tràn vào cả trong nhà cụ Cá. "Trận lụt năm 2008, cả làng chẳng ai ngập mà nhà tôi nước tràn qua cả cửa sổ. Còn trận lụt năm 1971 thì ngập lút nóc nhà, ngập tới 7 hàng ngói, phải đập một ô nhỏ để đưa đồ đạc lên". Rồi trận bom Mỹ năm 1972 đánh trúng khiến một phần ngôi nhà cổ bị đổ sập. Gia đình cụ đành dỡ bỏ phần hư hỏng nên ngày nay chỉ còn lại gian nhà chính và một ngách nhỏ phía phải ngôi nhà dùng để chứa những vật dụng nhỏ.

 

     Ngôi nhà cổ này xưa kia vốn có 5 gian, rộng thênh thang. Cụ Cá có tới 10 anh chị em, tất cả đều sống quây quần trong nếp nhà cổ dưới sự giáo dưỡng đầy gia phong của người cha làm nghề dạy học và bốc thuốc cứu người. Cụ Cá là đời thứ 4 trong nếp nhà cổ này, còn tính đến con cháu bây giờ thì phải đến đời thứ 7.

 

     Ngôi nhà cổ cũng đã xấp xỉ hai trăm năm tuổi. "Ngày bố tôi sắp mất, ông cụ có dặn các con cháu cố gắng giữ nếp nhà xưa của các cụ truyền lại. Ngày ấy, ngôi nhà đã hơn 130 năm, bây giờ thì cũng đã gần 200 năm rồi còn gì", cụ Cá nhớ lại.

 

     Trải qua gần 200 năm, ngôi nhà bây giờ vẫn còn nguyên vẹn nếp nhà cổ thuở xưa với khung gỗ trạm chổ uốn lượn, mái ngói ta và những bức tường được gắn kết bằng vôi, mật. Chỉ có điều, thời gian cùng những trận mưa tràn vào ngập nước trong nhà khiến phía chân những chiếc cột đã bị mối mọt. Người con trai của cụ phải cưa đi vài cái chân cột rồi xếp những viên đá khổ lớn chống lên.

 

Bức tường xây cổ vững chãi…

 

     Nhưng những bức tường, những mái kèo, mái cột của chái nhà thì dường như vẫn còn vẹn nguyên trước sự tàn phá của thời gian. Cụ Cá nhớ lại: "Ngày ông cụ nhà tôi còn sống, cụ bảo công thợ mộc để làm ngôi nhà này ngày ấy mất hàng năm trời mới xong".

 

 

Làng Bát Tràng bây giờ tấp nập với la liệt cửa hàng gốm sứ.

 

     Ngôi nhà bây giờ vẫn còn nguyên 12 hàng cột dựng đều tăm tắp chống đỡ cho cả mái gỗ phía trên. Loại gỗ được dùng để làm là loại gỗ đinh rất chắc chắn. Những mái kèo, mái cột phía trên của nhà vẫn còn đó những nét trạm chổ uốn lượn đủ hình dáng, từ những bông cúc mảnh mai đến những cánh chim hạc trong dáng tung cánh...

 

     Sau gần hai trăm năm, bức tường hậu được xây dày 40cm còn bức tường chái hai bên dày 30cm vẫn vững chắc. Chỉ có những vệt màu vôi ve là ố dần theo năm tháng. Đó là những bức tường nhà được xây dựng theo phương pháp truyền thống xưa  là bằng vôi và mật. Cụ Cá bảo theo lời các cụ xưa kể lại thì loại gạch xây nhà vốn được sản xuất theo lối thủ công.

 

     Các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay nên cốt đầy, chắc và nặng; đặc biệt lớp men trắng thường ngả mầu ngà. Sản phẩm mộc sau quá trình gia công bằng tay hoàn chỉnh được các tốp thợ khẩn trương đem vào lò nung. Loại lò dùng để nung gạch hồi ấy chính là lò bầu (lò rồng), một trong 3 loại lò cổ nhất ở Bát Tràng. Lò Rồng cổ ấy cũng là lò gốm duy nhất được cung cấp các đồ gốm cho kinh thành Thăng Long xưa.

 

     Toàn bộ kết cấu nhà cho đến tường, các hoạ tiết vẫn được giữ nguyên. Cột kèo của ngôi nhà cổ được làm theo kiểu mộng thắt, tường xây bằng gạch Bát Tràng với vữa được làm từ vôi, mật và muối. Chính giữa gian nhà chính của ngôi nhà cổ bây giờ vẫn còn nguyên đó bức hoành phi, bộ ngai thờ từ thuở ban đầu dựng nhà. Qua gần 200 năm nhưng những chạm trổ họa tiết vẫn sắc nét như mới, màu gỗ của bức hoành vẫn óng ả theo thời gian.

Lượt truy cập: 5478 - Cập nhật lần cuối: 19/11/2011 08:51:46 AM

Giỏ hàng