Khởi đầu lập nghiệp, bà Vinh làm công việc của một người thợ gốm tại Xí nghiệp sứ Bát Tràng ở quê nhà, một xí nghiệp gốm sứ lớn thứ 2 ở phía Bắc về sản lượng và chất lượng trong thời kỳ bao cấp bấy giờ. Gần hai mươi năm gắn bó với cơ sở này, bà đã tự tay nắm không biết bao nhiêu viên than, đập bao nhiêu mảnh đất, tự nghiên cứu, sáng tạo ra bao nhiêu mẫu mã sản phẩm mới cho xí nghiệp. Kinh nghiệm cũng như tình yêu của bà Vinh dành cho gốm sứ cứ thế lớn lên theo thời gian. Mong ước phát triển gốm Bát Tràng cũng ngày càng mãnh liệt hơn trong tâm trí của người phụ nữ ấy. Khoảng thời gian phải nhọc nhằn, lăn lộn vừa đi làm Nhà nước vừa nuôi ba con nhỏ và người chồng thương binh nặng của mình, mong muốn vượt qua khó khăn này bằng sản xuất, kinh doanh gốm sứ càng mãnh liệt hơn trong bà.
Nữ doanh nhân Hà Thị Vinh giới thiệu với du khách về các sản phẩm gốm sứ Quang Vinh.
Năm 1989, Chính phủ ban hành chế độ 176, cho phép cán bộ công nhân viên chọn cho mình hướng làm ăn kinh tế theo nhu cầu. Bà đã mạnh dạn chọn cho mình cách đi riêng là phát triển kinh tế tư nhân, thành lập tổ hợp sản xuất gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu với 6 lao động chính.
Nhớ lại ngày ấy, bà Vinh chia sẻ: Những ngày đầu mới thành lập tổ hợp, khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu vốn, thiếu thợ, thiếu kinh nghiệm…may mắn lớn nhất của tôi là trong lúc khó khăn đó đã nhận được sự đùm bọc, chở che của chính những nghệ nhân lành nghề nhất trong làng gốm Bát Tràng. Đó là động lực thôi thúc tôi quyết tâm bước tiếp trên con đường mình đã chọn, mang những sản phẩm mỹ nghệ của quê hương quảng bá với thế giới.
Tuy nhiên, tìm đầu ra cho sản phẩm gốm xuất khẩu không phải là chuyện đơn giản vào thời điểm đó. Bà Vinh nhiều lần đi “gõ cửa” một số tổng công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội nhưng không nhận được sự ủng hộ. Lúc này, bà đã đưa ra quyết định táo bạo là chuyển hướng tìm khách hàng tại thị trường Sài Gòn. May mắn đã mỉm cười với bà khi tổ hợp mỹ nghệ xuất khẩu nhận được đơn hàng đầu tiên làm sản phẩm cho Thế vận hội Italia năm 1990 thông qua một công ty xuất nhập khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với tổ hợp mỹ nghệ, đây là đơn hàng đầu tiên rất quan trọng, không chỉ mang giá trị về vật chất mà quan trọng hơn là thông qua quá trình sản xuất tổ hợp có cơ hội khẳng định khả năng.
Năm 1994, bà Vinh đã quyết định giải thể tổ hợp và thành lập Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, từ một tổ hợp chỉ gồm 6 lao động chính nay đã trở thành một công ty xuất khẩu gốm sứ có gần 400 lao động; có 2 nhà máy sản xuất với tổng số vốn đầu tư trên 30 tỷ, diện tích mặt bằng khoảng 35.000m2. Sản phẩm gốm của Bát Tràng và Quang Vinh đã xuất khẩu tới nhiều thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Quang Vinh còn tổ chức liên kết với các hộ gia đình sản xuất tại làng gốm Bát Tràng để có sản lượng xuất khẩu lớn hơn và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong khu vực. Không chỉ vậy, doanh nhân Hà Thị Vinh còn hợp tác với một số đối tác để tổ chức các cuộc triển lãm xúc tiến thương mại tại Mỹ, mang về cho quê hương những đơn hàng gốm xuất khẩu khổng lồ.
Những nỗ lực của nữ doanh nhân Hà Thị Vinh đã góp phần không nhỏ làm cho tên tuổi, sản phẩm của làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, Hà Nội trở thành một thương hiệu dân tộc nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Với những đóng góp to lớn đó, ngày 8/10/2012, bà Hà Thị Vinh vinh dự là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh tại Hội nghị biểu dương người tốt việc tốt và vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2012.
(Nguồn sưu tầm)