Từ đầu tháng 4/2000, dân Kim Lan ngẫu nhiên phát hiện nhiều di vật cổ khi bãi bồi ven sông bị sụt lở. Kim Lan là xã nằm cùng dải ven bờ sông Hồng, cách Bát Tràng con kênh đào Bắc Hưng Hải. Cổ vật khá phong phú bao gồm tiền đồng, gạch ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, chiếm số lượng lớn là đồ gốm có niên đại khá dài từ thời Đường (thế kỷ 7 -10) đến thời Lê (thế kỷ 17 - 18). Các sưu tập quý này hiện được các cụ trong xã bảo quản cẩn thận. Các khu vực ven sông xóm Chùa và xóm Chiền có dấu vết của việc sản xuất gốm với những mảnh bát chén vẽ lam thời Trần bị méo do nung quá lửa và các mảnh bao nung. Những dấu vết này đóng góp cho suy đoán của giới khảo cổ học: Kim Lan từng là một làng gốm, có các lò gốm hoạt động từ thời Trần. Thật ra từ năm 1958, khi đào thủy lợi Bắc Hưng Hải, phía nam Bát Tràng (giáp Kim Lan) ở độ sâu 12-13m, người ta đã tìm thấy dấu tích cư trú và những sản phẩm gốm có niên đại muộn, khoảng thế kỷ 16 - 18.
Đình làng Bát Tràng
Gốm sứ thời Trần tìm thấy ở đây có rất nhiều loại, bao gồm gốm men nâu đen, gốm men trắng ngà, gốm men xanh ngọc, gốm hoa lam và khá nhiều đồ gốm hoa nâu, đáng chú ý là những mảnh bát và chén vẽ lam. Những mảnh gốm đều có chất lượng khá cao và phong cách thể hiện hoa văn có thể so sánh với một số tiêu bản đã tìm thấy ở Philippines và Indonesia. Điều này cho thấy nhiều sản phẩm gốm của Kim Lan đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Một số mảnh bát, đĩa và lọ nhỏ men trắng vẽ lam, có hoa văn như phong cách Chu Đậu xuất khẩu thế kỷ 15, cũng được tìm thấy ở xóm Chùa; đáng lưu ý là kiểu lọ nhỏ tương tự như Kim Lan đã được tìm thấy rất nhiều. Từ những manh mối ban đầu có thể suy đoán rằng vào thế kỷ 15, những lò gốm Kim Lan hoạt động là những lò sản xuất gốm hoa lam phục vụ xuất khẩu như Chu Đậu (Hải Dương). Bên cạnh đó, các di vật gốm thời Hậu Lê cũng được tìm thấy với số lượng khá phong phú.
Phát hiện quan trọng đó cho biết, quy mô của làng gốm Bát Tràng xưa vốn khá rộng lớn, bao gồm cả những xóm ven sông thuộc xã Kim Lan ngày nay. Những đồ gốm có niên đại sớm tìm thấy tại đây cho thấy Kim Lan xưa có thể là nơi khởi dựng của làng gốm Bát Tràng, và những lò gốm này được hình thành ít nhất từ thời Trần, khoảng thế kỷ 13 và hoạt động kéo dài sang thời Hậu Lê.
Viện khảo cổ học phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội quyết định khai quật đợt thứ nhất khu di chỉ quan trọng này vì đây là vùng bị ngập nước thường xuyên vào mùa mưa và bờ sông hay bị lở. Khu vực ven sông xóm Chùa có khá nhiều vết tích kiểu "trụ móng chân cột" của những công trình kiến trúc cổ. Kết quả tìm thấy nhiều đồ gốm sứ, chủ yếu là thời Trần, niên đại thế kỷ 14, đặc biệt là gốm hoa lam, trong đó có một mảnh đĩa lớn rất đẹp có đường kính miệng khoảng 45cm, giữa lòng vẽ hình chim phượng và mây, thành trong vẽ hoa cúc dây theo phong cách gốm thời Nguyên (Trung Quốc, lò Cảnh Đức Trấn), thành ngoài vẽ dải hồi văn lá đề. Trong số những đồ gốm sớm niên đại thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 có nhiều sản phẩm giống hệt như lò gốm Đương Xá (Bắc Ninh) niên đại thế kỷ 9-10. Đó là các loại vò có bốn hoặc sáu quai ngang và loại bát men xanh xám, trong lòng có vết cạo men hình cánh hoa.
Cuộc đào mới kết thúc nên các nhà khảo cổ học chưa có thời gian chỉnh lý và thống kê số lượng di vật cụ thể. Tuy mới đào diện tích nhỏ nhưng đã tìm được một khối lượng di vật lớn. Do nước sông lên cao, đợt khai quật thứ hai sẽ tiếp tục làm rõ thêm câu chuyện lịch sử của Bát Tràng, một trong những làng nghề cổ xưa nổi tiếng nhất miền bắc.