Tượng A Di Đà thường có những nét đặc trưng: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên tòa sen.
A Di Đà đây là tên của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Đại thừa. A-di-đà trụ trì cõi Cực lạc (tiếng Phạn: sukhāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí tuệ.
Trong lịch sử đạo Phật, việc tôn xưng A-di-đà là một mốc phát triển quan trọng. Phép niệm A-di-đà là một cách tu dưỡng mới của Phật tử, không phải trải qua vô số kiếp. Đây là cách tu dưỡng dựa vào Tha lực, dựa vào đại nguyện của một vị Phật-một phép tu "nhanh chóng, dễ dàng" hơn chứ không chỉ dựa vào tự lực của chính mình. Đó là phép tu nhất tâm niệm 10 lần danh hiệu "Nam-mô A-di-đà Phật" lúc lâm chung để được sinh vào cõi Cực lạc. Để có thể đủ sức vững vàng niệm đủ 10 lần câu "Nam mô A Di Đà Phật" cận ngay lúc lâm chung thì lúc bình thường phải kiên trì niệm Phật thường xuyên.
Trong lịch sử Phật giáo thì Phật A-di-đà được tôn thờ sớm nhất trong lịch sử, vào hàng a tăng kỳ kiếp trước có một vị vua sau khi nghe đức Phật thuyết pháp thì lập tức giác ngộ và từ bỏ ngai vàng mà đi theo đức Phật để quy y pháp danh là Pháp Tạng và đã thành Phật hiệu là A Di Đà (16 triệu 800 ngàn năm là một tiểu kiếp, 20 tiểu kiếp bằng 1 trung kiếp, 4 trung kiếp (thành, trụ, hoại, không) bằng một đại kiếp, một a tăng kỳ kiếp là 10140 kiếp (thường chỉ nói kiếp có nghĩa là đại kiếp). Thân hình của vị Phật này thường được vẽ bằng màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây. Một tay của A-di-đà bắt ấn thiền định, tay kia giữ một cái bát, dấu hiệu của một giáo chủ, cũng có ảnh một tay đức phật cầm tòa sen, một tay xòe ra đưa xuống đất có ý nghĩa để dẫn dất chúng sinh lên tòa sen về cõi tịnh độ. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hai con công là biểu hiện của sự thoát hiểm, thoát khổ. Tại Ấn Độ và Tây Tạng, người ta tin rằng con công có thể ăn tất cả những chất độc mà không bị ảnh hưởng gì.